📞

Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh thăm và làm việc tại Trung tâm trồng trọt quốc tế

Chu Văn 05:56 | 13/05/2021
Ngày 11/5, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh đã làm việc tại Trung tâm trồng trọt quốc tế (World Horti Centre-WHC) và thăm một số doanh nghiệp thành viên Hiệp hội hợp tác trồng trọt thương mại Hà Lan-Việt Nam (Netherlands-Vietnam Horti Business Platform - NVHBP).
Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh làm việc tại Trung tâm trồng trọt quốc tế.

Tiếp Đại sứ và đoàn có ông Hans Kleijwegt, Tổng Giám đốc; ông Mark Zwinkels, Giám đốc Ban Quan hệ quốc tế của WHC; ông Henk van Eijk, Chủ tịch NVHBP và bà Mirjam Boekestijn, điều phối viên của NVHBP tại Hà Lan.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Phạm Việt Anh bày tỏ mong muốn tiếp tục được WHC hỗ trợ cho các doanh nghiệp trồng trọt tại Việt Nam và đặc biệt mong muốn có sự kết nối để sinh viên nông nghiệp thuộc các trường đại học Việt Nam có thể tham gia các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế hàng năm tại Trung tâm, nhằm tiếp thu, cập nhật kiến thức, công nghệ hiện đại ứng dụng vào phát triển ngành trồng trọt bền vững tại Việt Nam.

Trồng trọt-làm vườn là một trong 9 ngành nghề trong chiến lược phát triển kinh tế Hà Lan. Ngành trồng trọt của Hà Lan phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa, cung cấp nông phẩm cho thị trường thế giới.

Là nước sáng tạo hàng đầu về công nghệ nhà kính, ngành trồng trọt Hà Lan đóng vai trò lãnh đạo thị trường quốc tế về hoa, cây trang trí, rau quả, củ giống hoa và vật liệu tái tạo.

Hà Lan là nước xuất khẩu đứng thứ ba thế giới về các sản phẩm trồng trọt dinh dưỡng và đứng thứ hai về xuất khẩu nông phẩm (sau Mỹ).

WHC là một minh họa sinh động cho tư duy tích hợp, tầm nhìn bao quát và dài hạn của Hà Lan nói chung và doanh nghiệp Hà Lan nói riêng.

Tổ hợp là một điển hình về sự kết nối theo công thức “tam giác vàng” giữa Chính phủ - cơ sở nghiên cứu - doanh nghiệp. Chính phủ tạo điều kiện, cơ chế nhưng không hỗ trợ tài chính (theo quy định về cạnh tranh lành mạnh).

Các cơ sở nghiên cứu, chế tạo máy móc liên quan đến trồng trọt gửi tới đây các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng, vừa là công cụ học tập, nghiên cứu, vừa là công cụ sản xuất ra sản phẩm thương mại.

Trung tâm có 3 khu liên hoàn gồm Giáo dục đào tạo, nghiên cứu - phát triển, hợp tác kinh doanh. Nơi này cũng là diễn đàn chia sẻ về công nghệ, đổi mới sáng tạo của lĩnh vực trồng trọt trong nhà kính.

Hằng năm, WHC tiếp đón khoảng 25.000 khách, chuyên gia quốc tế đến tham quan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, đổi mới sáng tạo trong ngành trồng trọt và tham gia các Hội chợ.

WHC có một trường dạy nghề trồng trọt hệ 4 năm cho khoảng 1.200 sinh viên, chưa kể các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế trong ngành này với các khóa học từ 3 - 4 tháng/năm.

Đây cũng là nơi hội tụ, trưng bày và giao lưu thường xuyên của 130 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành trồng trọt với những sản phẩm hiện đại từ máy móc tự động hóa, hệ thống thông gió, hệ thống quản lý nước, độ ẩm, nhiệt độ trong nhà kính đến những sản phẩm như màng/lưới bảo vệ cây trồng, chắn ánh sáng trong nhà kính, giống cây trồng, phân sinh học...

Bên cạnh đó, trung tâm còn có khu nghiên cứu hiện đại với 40 phòng thí nghiệm, nơi các nhà nghiên cứu, doanh nhân và các tổ chức giáo dục khác nhau cùng tiến hành nghiên cứu.

Đại sứ Phạm Việt Anh thăm một số doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Hợp tác Trồng trọt Thương mại Hà Lan-Việt Nam.

Hiệp hội Hợp tác Trồng trọt Thương mại Hà Lan-Việt Nam (nvhortiplatform.com) được thành lập tháng 12/2019, là một tổ chức hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, tổ chức chính phủ Hà Lan và Việt Nam trong lĩnh vực trồng trọt.

Các thành viên cùng xây dựng mối quan hệ lâu dài thông qua chia sẻ chuyên môn, công nghệ, nguồn lực, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao ngành trồng trọt của Việt Nam, đồng thời góp phần tiếp cận thị trường Châu Âu.

Đến nay, NVHBP đã có 10 thành viên Vàng, 2 thành viên Bạc, 22 thành viên Đồng với nhiều cơ quan, tổ chức đối tác hỗ trợ của cả Việt Nam và Hà Lan. Phía Việt Nam có Công ty Thiên Điểu vừa là thành viên Vàng, vừa đảm nhiệm điều phối viên phía Việt Nam của NVHBP.

Cũng trong buổi làm việc, Lãnh đạo và điều phối viên NVHBP cập nhật những dự án đã thực hiện tại Việt Nam thời gian qua.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, Hiệp hội vẫn nỗ lực tham gia và đồng tổ chức những hoạt động tại Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Rau Quả, Viện Khoa học Nông nghiệp, Ủy ban Nhân dân TP. Đà Nẵng, Hội Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Mekong Connect 2020, Hội nghị toàn quốc về chế biến và phát triển thị trường nông sản tại Cần Thơ...

Đại sứ Phạm Việt Anh thăm một số doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Hợp tác Trồng trọt Thương mại Hà Lan-Việt Nam.

Cùng ngày, Đoàn đã tham quan mô hình trồng trọt của 2 doanh nghiệp là thành viên của NVHBP gồm Công ty KP Holland (kpholland.nl) chuyên nhân, lai tạo giống, sản xuất và xuất khẩu các loại hoa và Công ty Onings Holland (onings.com) doanh nghiệp gia đình đã qua 4 thế hệ, khởi nghiệp từ năm 1935, chuyên xuất khẩu củ hoa lily và tulip.

Cả 2 doanh nghiệp đều có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm, hợp tác và xuất khẩu củ hoa giống và hỗ trợ hiệu quả các đối tác Việt Nam tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Sapa…

Các doanh nghiệp đánh giá điểm mạnh của Việt Nam trong trồng trọt là đất đai, điều kiện tự nhiên và lao động, mong muốn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của Đại sứ quán để mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Tầm nhìn dài hạn của Oning còn là hợp tác trồng hoa lily tại Việt Nam và xuất khẩu hoặc mong muốn của KP Holland là Việt Nam cấp phép nhập khẩu hoa curcuma, một loại hoa đẹp do công ty nghiên cứu và lai tạo.

(theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan)