📞
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị G20 và thăm Nhật Bản

Đại sứ Vũ Hồng Nam viết về chuyến thăm Nhật Bản và dự G20 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Vũ Hồng Nam 08:00 | 25/06/2019
TGVN. Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam dự Thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam đã có bài viết về sự kiện quan trọng này. Xin trân trọng giới thiệu.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.

Việt Nam là một trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản dự Hội nghị G20 lần thứ 14. Năm 2010, lần đầu tiên Việt Nam tham gia G20 với tư cách là Chủ tịch ASEAN. Điều này thể hiện vị thế quan trọng của Việt Nam trong nền chính trị thế giới và nền kinh tế Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ, có tác động phần nào tới nền kinh tế toàn cầu.

Việt Nam tham dự Thượng đỉnh G20 lần này tại Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam nói tiếng nói cùng những nền kinh tế đang nổi, góp phần vào việc giải quyết những vấn đề chung của nền kinh tế thế giới, duy trì trật tự và xu thế của nền kinh tế quốc tế, đáp ứng lợi ích của mọi nền kinh tế, chống lại những xu thế tiêu cực với nền kinh tế toàn cầu.

Hội nghị G20 là diễn đàn cấp cao lãnh đạo cơ quan hành pháp của 19 quốc gia phát triển, Lãnh đạo EU, một số chủ thể tài chính quốc tế như IMF, WB..., và lãnh đạo một số nền kinh tế đang trỗi dậy. Trong khuôn khổ của hội nghị còn có các hội nghị của các bộ trưởng liên quan. G20 có ý nghĩa rất quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế G20 chiếm 2/3 dân số toàn cầu, nằm trên một nửa diện tích mặt đất của địa cầu, sản xuất ra 90% tổng sản phẩm toàn thế giới, và 80% giao dịch thương mại quốc tế liên quan tới các nền kinh tế này.

Ba vấn đề sống còn của kinh tế thế giới

Lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản, G20 là hội nghị cấp cao lớn nhất từ trước tới nay mà Nhật Bản tổ chức, đặc biệt có ý nghĩa đối với nước chủ nhà vì đây là sự kiện quốc tế lớn đầu tiên khi triều đại Reiwa - Lệnh hòa mới bắt đầu. Đây sẽ là nơi Nhật Bản thể hiện vai trò quan trọng dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu theo đúng ý nghĩa của Reiwa, triều đại của sự hài hòa đẹp đẽ.

Cấp cao G20 Osaka sẽ trao đổi những vấn đề sống còn của nền kinh tế thế giới hiện nay. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Nhật Bản sẽ chú trọng vào 3 chương trình nghị sự quan trọng nhất. Thứ nhất là duy trì hệ thống thương mại tự do và công bằng. Nếu chúng ta thấy chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, những hành động đơn phương vi phạm quy tắc và luật lệ của WTO, trụ cột sống còn của nền kinh tế thế giới, thì mới thấy chương trình nghị sự số một này có ý nghĩa to lớn như thể nào.

Liệu Nhật Bản có thể đảm đương gánh vác sứ mệnh tháo gỡ những rào cản để bánh xe WTO tiếp tục quay êm ái hay cần có một bước dung hòa, nhân nhượng, để bánh xe tự do thương mại quay chậm lại, tương thích phần nào đó, một cách khách quan, với chủ nghĩa bảo hộ để xu thế này trở nên dung hòa, không gây ra xung đột, hay chiến tranh thương mại như báo chí hiện nay thường nhắc tới?

Thứ hai, nền kinh tế thế giới đang tiến như vũ bão vào kỷ nguyên cách mạng 4.0, nền kinh tế số đã trở thành nền tảng hay gọi cách khác là trụ cột của các nền kinh tế phát triển. Những nền kinh tế được số hóa đang ngày càng trở nên phổ biến. Ngay cả ở Việt Nam chúng ta cũng đã cảm thấy hơi thở nóng của nền kinh tế số đang áp sát sau lưng, buộc chúng ta không thể chần chừ thêm nữa, mà phải rảo bước trên con đường mới mẻ, đầy thách thức này.

Những phương cách quản lý kinh tế cũ đã lỗi thời. Cần thiết một sự cải cách mạnh mẽ của hệ thống quản lý kinh tế cho phù hợp với nền kinh tế số. Nước chủ nhà Nhật Bản đang ấp ủ có thể mang lại động lực mới, mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế số, chí ít cũng vì một góc quan trọng của kinh tế thế giới, đó là các nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam.

Thứ ba, Thủ tướng nước chủ nhà Abe Shinzo muốn đưa vào chương trình nghị sự vấn đề môi trường toàn cầu, nền sản xuất toàn cầu phải đổi mới thế nào cho phù hợp với yêu cầu cấp bách là phải bảo vệ môi trường, phục vụ cho sự phát triển bền vững.

Bảo vệ nền thương mại tự do và công bằng

Tôi cho rằng, Việt Nam sẽ hoàn toàn chủ động tham gia tích cực vào các chương trình nghị sự G20 do chủ nhà Nhật Bản đưa ra, vì đó cũng chính là những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt. Nếu chúng ta nhớ lại APEC 2017, chính Việt Nam là nước chủ nhà đã cùng Nhật Bản cứu vãn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), để hôm nay chúng ta có một FTA thế hệ mới đang bắt đầu phát huy hiệu quả.

Với tinh thần chủ động, tích cực tham gia vào đời sống kinh tế-chính trị thế giới, tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò nhằm bảo vệ nền thương mại tự do và công bằng, tìm kiếm sự cải cách phù hợp các thể chế kinh tế thế giới, nhằm đối phó với những thay đổi tiêu cực trên địa cầu.

Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người truyền lửa cho nền kinh tế 4.0 ở Việt Nam, thì chắc chắn, chúng ta sẽ tham gia tích cực vào chủ đề nền kinh tế số của G20, để qua đó, Việt Nam có thể trở thành một thành viên không thể thiếu của nền kinh tế số toàn cầu trong tương lai. Ngoài ra, tôi cũng cho rằng, là quốc gia biển, Việt Nam sẽ tham gia tích cực vào việc bảo vệ môi trường biển, chống lại rác thải nhựa trên biển, là chủ đề mà Nhật Bản và các quốc gia biển đang quan tâm thúc đẩy tìm kiếm giải pháp.

Cơ hội thúc đẩy hợp tác Việt - Nhật

Nhân dịp dự G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ kết hợp thăm làm việc song phương với Nhật Bản. Hai nước Việt Nam và Nhật Bản vừa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Với đối tác chiến lược sâu rộng đang ngày càng được củng cố và phát triển, hai nước chúng ta có mối quan hệ hợp tác hữu nghị thiết thực và hiệu quả cao nhất chưa từng có trong lịch sử quan hệ hai nước.

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị G20 do Nhật Bản tổ chức lần này cũng thể hiện chủ trương của lãnh đạo hai nước thường xuyên trao đổi cấp cao, nhằm tạo động lực cho các mối quan hệ toàn diện hai nước phát triển. Mặt khác, nhu cầu khách quan của sự phát triển của hai nước cũng đòi hỏi lãnh đạo hai nước gặp gỡ để bàn bạc, giải quyết, để ra những giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn nữa. Những diễn biến sôi động gần đây trên cả bình diện chính trị và kinh tế, ở cả cấp độ khu vực và thế giới cũng đòi hòi lãnh đạo hai nước phải gặp gỡ bàn thảo, thống nhất hành động. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực, cũng còn nhiều vướng mắc từ hai phía phải giải quyết, những mục tiêu hợp tác kinh tế lớn giữa hai nước cũng cần hai nhà lãnh đạo gặp nhau để bảo đảm một hành lang thông thoáng cho dòng chảy hợp tác kinh tế phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.

Ngoài ra, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp Nhật Bản gặp gỡ với Thủ tướng Việt Nam, tìm kiếm sự bảo đảm quan trọng của nhà lãnh đạo một địa chỉ đầu tư hấp dẫn trong xu thế chuyển dịch của dòng vốn đầu tư đang hướng tới Việt Nam. Chắc chắn, sẽ có nhiều hoạt động của doanh nghiệp hai nước trong thời gian chuyến thăm làm việc song phương của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, tôi cho rằng, điểm rất đáng tự hào, tại Nhật Bản có đông đảo các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học Việt Nam thành đạt trong nhiều lĩnh vực khoa học quan trọng. Họ là những chuyên gia hàng đầu trong những lĩnh vực công nghệ cao mà đất nước đang cần.

Tôi tin rằng các bạn trí thức trẻ sẽ có cơ hội giãi bày cùng Thủ tướng tâm nguyện, những mong muốn cháy bỏng được cống hiến cho Tổ quốc nhân dịp này.

- Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản từ ngày tel:27/6 - 01/7/2019.

- Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro bất trắc do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột thương mại Mỹ - Trung căng thẳng trở lại.

Hợp tác và liên kết kinh tế tuy vẫn được thúc đẩy nhưng nhiều thể chế và diễn đàn đa phương gặp khó khăn. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tiếp tục phát triển mạnh với nhiều vấn đề đặt ra cần tăng cường hợp tác quốc tế để xử lý.

Các nội dung thảo luận chính tại hội nghị G20, dự kiến là kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư, đổi mới sáng tạo và kinh tế số, môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế.

- Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác cung cấp ODA lớn nhất, đối tác thứ hai về đầu tư trực tiếp nước ngoài, đối tác thứ ba về du lịch, đối tác thứ tư về thương mại.

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển tốt đẹp, toàn diện với sự tin cậy chính trị cao. Hai bên phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, APEC, ASEM, ASEAN…

- Chuyến thăm Nhật Bản và dự G20 lần này của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, tạo cơ sở để góp tiếp tục đề cao vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả của đối ngoại đa phương. Đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam phát triển năng động, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.