📞

Đại tướng Lê Đức Anh - Tướng sát chiến trường, thương vong của người lính sẽ đỡ đi

08:24 | 29/04/2019
Đại tướng Lê Đức Anh cho rằng, Tướng sát chiến trường, thương vong của người lính sẽ đỡ đi. Nhiều chỉ đạo của ông đã giúp bộ đội ta thực hiện tốt. Chỗ nào khó khăn nhất, chiến trường ác liệt nhất là ông đến đó.    

Ông là vị tướng có tài, có tầm nhìn. Trong thời bình, ông là nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng - Đó là những nhận xét trong niềm tiếc thương vô hạn của Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà trước sự ra đi của Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Luôn sát cánh trong đời binh nghiệp, khi trở về cuộc sống đời thường, Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà và Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, lại ở cùng Khu nhà số 5A Hoàng Diệu (Hà Nội).

Trung tướng Lê Đức Anh - Tư lệnh Quân khu 9 thăm và động viên các chiến sĩ của Tiểu đoàn tăng - thiết giáp, Quân khu 9, tháng 5/1976. Ảnh tư liệu. (Nguồn: Vietnamnet)

Trong ký ức của Đại tướng Phạm Văn Trà, Đại tướng Lê Đức Anh luôn thể hiện tâm thế của người chiến sĩ đứng vững trên thế tiến công, chủ động tấn công trong suy nghĩ và hành động, lăn lộn với thực tế chiến trường để tìm ra những cách đánh hiệu quả, giảm hy sinh xương máu của chiến sĩ, đồng bào, mà vẫn chiến thắng kẻ thù. Trong 3 cuộc chiến tranh, Đại tướng Lê Đức Anh đều ở chiến trường, bám sát chiến trường: Trong chống Pháp, ông ở Đông Nam bộ; trong chống Mỹ, ông ở Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Chiến tranh biên giới Tây Nam, ông là Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.

Nhớ lại thời điểm Tướng Lê Đức Anh về làm Tư lệnh Quân khu 9, ông Phạm Văn Trà kể, trong chiến tranh, mục tiêu chính trị là hàng đầu. Mậu Thân 1968, thắng lợi về quân sự là rất lớn, tổn thất cũng quá lớn, nhưng mục tiêu chính trị đã đạt được, đã thay đổi được cục diện chiến tranh, buộc Mỹ phải ngồi vào đàm phán Hiệp định Paris. Trong bối cảnh như vậy, Quân khu 9 chỉ có 1 trung đoàn. Mậu Thân 1968, vào đánh Cần Thơ 3 lần, cuối cùng năm 1969, từ hơn 3000 quân chỉ còn hơn 700. Trong lúc tổn thất như vậy, địch tràn vào đánh tất cả các vùng giải phóng của mình, kể cả những vùng giải phòng từ thời kháng chiến chống Pháp. Mình không còn quân nên chúng chiếm những vùng căn cứ của mình như U Minh Thượng, U Minh Hạ.

Đúng lúc khó khăn đó, Trung đoàn của ông Trà nhận được lệnh giải tán trung đoàn. Cả Trung đoàn định chấp hành “về với dân, bám sát với dân và dân nuôi thôi, bởi chả có lương bổng gì, gạo dân cho, thực phẩm thì xuống sông mò thôi”. Nhưng cũng đúng lúc đó, Trung đoàn nhận được thông báo là Tư lệnh và Chính ủy, Bí thư Quân khu được đưa đi và Quân khu 9 có Tư lệnh mới, Chính ủy mới.

“Thời điểm ông Lê Đức Anh về làm Tư lệnh, Mỹ ngụy đánh U Minh ác liệt lắm. Ngay khi về, ông ấy điện cho Trung đoàn nói không giải tán Trung đoàn mà sau này còn bổ sung cho Trung đoàn 2000 quân của miền Bắc vào. Chúng tôi thấy rất phấn khởi bởi không những không phải giải tán Trung đoàn, mà còn được tăng cường thêm. Ông ấy hay là thế. Trong lúc khó khăn nhất, ông ấy đến và thay đổi được cục diện chiến trường”, Đại tướng Phạm Văn Trà nhớ lại.

“Sau Hiệp định Paris 1973, ngừng bắn hết. Riêng Quân khu 9 không ngừng bắn mà đánh suốt. Đến tháng 10, Quân khu 9 đánh thẳng vào thị xã Phước Long. Ý đồ của Quân khu 9 là đánh để thăm dò xem Mỹ có quay trở lại không. Đó là sự sáng tạo của Quân khu 9 mà người Chỉ huy chỉ đạo chính là đồng chí Lê Đức Anh”, Đại tướng Phạm Văn Trà kể.

Hồi nhớ về thời điểm sau hòa bình, Bộ Quốc phòng cho giảm quân số rất nhiều, nhưng riêng Tướng Lê Đức Anh ở Quân khu 9 lại thành lập Sư đoàn 30 và chọn trung đoàn đánh tốt trong thời kỳ chống Mỹ để giữ lại. Ông Phạm Văn Trà nói, việc giữ lực lượng này đã giúp ta giữ được chất chiến đấu. Khi quân Pol Pot đánh sang, Sư đoàn 30 chiến đấu rất hiệu quả. Điều đó chứng tỏ ông Lê Đức Anh đã nắm trước được tình hình nên đã chuẩn bị trước mấy năm. Quân khu 9 bị Pol Pot đánh nhưng không bị động, đánh lại được ngay và giữ được biên giới.

“Ông Lê Đức Anh có tầm nhìn rất sâu về chiến lược, bao giờ cũng dự đoán trước tình hình, khi tình hình đến không bị động, mà chủ động ứng phó được ngay và đều có kết quả tốt. Khi ông là Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, tôi là Sư trưởng Sư 30 của Quân khu 9. Khi giúp bạn giải phóng tuyến biên giới Campuchia -Thái Lan, ông chỉ đạo chặn tuyến biên giới, không cho Pol Pot tràn sang. Nhờ đó, biên giới Campuchia-Thái Lan dần êm, Pol Pot tan dã dần. Khi bạn đứng vững, biên giới ổn định" - Đại tướng Phạm Văn Trà kể lại.

Cũng theo Đại tướng Phan Văn Trà, năm 1990-1991, thời điểm Liên Xô sụp đổ, Đại tướng Lê Đức Anh đã gọi Tư lệnh các Quân khu lên. Lúc đó, ông Trà là Tư lệnh Quân khu 3. Tướng Lê Đức Anh chỉ nói ngắn gọn: Phải hết sức theo dõi tình hình Liên Xô, nếu Liên Xô đổ, thế giới sẽ có biến động rất lớn, các nước Xã hội chủ nghĩa có thể mất. Việt Nam phải hết sức chú ý. Ông ấy chỉ đạo, nếu Liên Xô đổ, tất cả Quân đội phải giữ nghiêm kỷ luật, có lệnh của Bộ Quốc phòng mới được hành động. Vì thế, khi Liên Xô sụp đổ, Quân đội không bị hẫng vì đã được ông báo trước 6 tháng. Quân đội Việt Nam lúc đó rất vững vàng, giữ vững lòng trung thành với Đảng, với đất nước để giữ vững chế độ, nhờ đó Việt Nam không bị xáo trộn. Nếu lúc đó, Quân đội không vững vàng, rối ren, sẽ làm phức tạp thêm tình hình.

“Đại tướng Lê Đức Anh đã cống hiến trọn đời cho đất nước, cho Đảng. Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước và là người đề xuất phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhiều năm gắn bó với đồng chí, tôi nhận thấy, trong cuộc sống gia đình, ông không bao giờ can dự vào vị trí công việc của các con mà để con tự phát triển theo năng lực của bản thân. Đồng chí là một tướng lĩnh giỏi, có bản lĩnh, có tầm nhìn sâu rộng, luôn đoán được trước tình hình, là một người mẫu mực, khiêm tốn, không bao giờ tư lợi cho riêng mình”, Đại tướng Phạm Văn Trà xúc động nói.

(theo TTXVN)