TIN LIÊN QUAN | |
Đối ngoại địa phương: Đổi mới tư duy để bứt phá | |
Phó Thủ tướng làm việc tại Đắk Lắk về di dân tự do |
Đối mặt với nhiều khó khăn như nằm xa các thành phố trung tâm của đất nước, không có hệ thống cảng biển và đường sắt, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đầy đủ… nhưng Đắk Lắk vẫn đạt được những thành tích đáng kể trong các hoạt động kết nối với nước ngoài. Sớm nhận thức được tầm quan trọng của công tác ngoại giao, Sở Ngoại vụ tỉnh luôn chú trọng phát huy hết tiềm năng trong quá trình tham mưu và triển khai công tác đối ngoại.
Tận dụng mạng lưới ngoại giao
Chia sẻ về hoạt động kết nối Đắk Lắk với nước ngoài, bà Nguyễn Thị Tiết Hạnh cho biết, trên cơ sở phát huy tiềm năng lớn của tỉnh đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài, Sở Ngoại vụ tỉnh Đắk Lắk luôn nỗ lực thể hiện hết vai trò của một cơ quan đối ngoại trong quá trình tham mưu và triển khai công tác đối ngoại của tỉnh.
“Trong vai trò mở đường, Sở Ngoại vụ tận dụng quan hệ với mạng lưới các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở các nước để nắm bắt, truyền tải thông tin về nhu cầu của thị trường nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước, nghiên cứu, định hướng sản xuất và nắm bắt cơ hội giao thương", bà Nguyễn Thị Tiết Hạnh nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Ngoại vụ Đắk Lắk Nguyễn Thị Tiết Hạnh (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh kỷ niệm cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Bên cạnh đó, với vai trò kết nối, Sở Ngoại vụ chủ động nắm bắt thông tin, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Đắk Lắk tổ chức nhiều hoạt động phong phú, nhằm tạo cơ hội kết nối cho các doanh nghiệp, quảng bá tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Qua đó, tăng cường thu hút đầu tư, thương mại với các đối tác nước ngoài.
Nói về các hoạt động nổi bật trong công tác kết nối Đắk Lắk với nước ngoài, Giám đốc Sở Ngoại vụ chia sẻ, vào tháng 3/2017, tỉnh đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4. Ngay tại Hội nghị đã có 7 dự án được trao Quyết định đầu tư và 3 dự án ký kết biên bản ghi nhớ với các đối tác trong và ngoài nước.
Cũng trong năm 2017, Đắk Lắk tổ chức Chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc – Khu vực Tây Nguyên” (tháng 6); tổ chức đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến đầu tư và thương mại tại Australia (tháng 8), tại Nhật Bản (tháng 9).
Ngoài ra, Đắk Lắk còn phối hợp với Trung tâm Công nghệ xanh và Quỹ Liên doanh công nghệ Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn hợp tác về công nghệ thích ứng biến đổi khí hậu để vận động nguồn tài trợ ODA cho các dự án điện năng lượng mặt trời, xử lý nước thải và thành phố thông minh.
Phát huy kết quả các chuyến công tác của tỉnh, Sở Ngoại vụ Đắk Lắk chủ động tìm hiểu, tham mưu cho UBND tỉnh thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thị trường. Sau quá trình nghiên cứu và chọn lọc, tháng 12/2017, tỉnh Đắk Lắk chính thức thiết lập quan hệ hợp tác vơi tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc), làm đầu mối xúc tiến việc triển khai các hoạt động hợp tác trên một số lĩnh vực như: giáo dục, nông nghiệp, giao lưu văn hóa nghệ thuật, viện trợ nhân đạo.
Đặc biệt, UBND tỉnh dự kiến sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các sự kiện: Expo Jeollabuk (10/2018), Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 (3/2019) và các hoạt động giao lưu văn hóa khác. Sở cũng đang tiếp tục tham mưu cho UBND chủ trì xúc tiến việc thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với thành phố Goulburn - Australia trong các lĩnh vực mà hai bên đang cùng giáo dục, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Tổng kết về các hoạt động kết nối khu vực, bà Nguyễn Thị Tiết Hạnh cho biết, sau các hoạt động xúc tiến, Sở Ngoại vụ luôn đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình phát triển các quan hệ với các đối tác nước ngoài. Điều đó phần nào đã giúp quan hệ trở nên gắn bó, trở thành đối tác thật sự, cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cả hai bên gặp phải nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.
Bà Tiết Hạnh cũng chia sẻ, Sở Ngoại vụ Đắk Lắk thường xuyên theo dõi tiến độ triển khai các mối quan hệ đã kết nối được. Tiếp đó, cùng trao đổi, chung tay với các Sở, ngành triển khai công tác sau mỗi hoạt động đối ngoại, mỗi chuyến công tác ở nước ngoài. Từ đó, phát huy các kết quả xúc tiến đã đạt được, kịp thời báo cáo cấp trên cho ý kiến chỉ đạo trong một số trường hợp cần thiết để đảm bảo cho công tác đối ngoại đạt hiệu quả cao nhất.
“Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Bộ Ngoại giao, sự hỗ trợ nhiệt tình của Cục Ngoại vụ cùng với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh các cấp, Sở Ngoại vụ tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những thành tích đáng kể trong công tác đối ngoại. Đồng thời, phát triển quan hệ giữa tỉnh với nước ngoài, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà", bà Nguyễn Thị Tiết Hạnh chia sẻ.
Vẫn còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ
Tuy nhiên, trong hành trình kết nối khu vực Tây nguyên với nước ngoài, Giám đốc Sở Ngoại vụ Đắk Lắk cũng cho biết, công tác đối ngoại của tỉnh không tránh khỏi những khó khăn. Trở ngại lớn đối với Đắk Lắk là cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đầy đủ. Vì vậy, dẫn đến kết quả thu hút đầu tư từ nước ngoài của tỉnh so với các địa phương khác trong nước còn rất hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Tiết Hạnh (áo dài đỏ). (Ảnh: NVCC) |
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh chỉ mới thu hút được 13 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 174,048 triệu USD hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, dịch vụ, trung tâm mua sắm, môi trường. Kết quả thu hút FDI không cao cùng với đặc thù về tự nhiên, kinh tế và xã hội còn nhiều hạn chế nên cơ hội tiếp cận được các đối tác nước ngoài so với các vùng miền khác còn thấp, chưa tranh thủ được sự hỗ trợ của nguồn lực bên ngoài cho phát triển.
“Khó khăn tiếp phải kể đến ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, thu chưa đủ chi, kinh phí dành cho một số hoạt động đối ngoại còn rất hạn chế. Bởi vậy, cơ hội tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, hội chợ, triển lãm ở nước ngoài theo chương trình của Bộ Ngoại giao cũng không nhiều", bà Nguyễn Thị Tiết Hạnh bày tỏ.
Từ những trở ngại đó, tỉnh chưa phát huy được hết vai trò của công tác đối ngoại dể phục vụ phát triển kinh tế trong tình hình mới. Hơn nữa, chất lượng đội ngũ nhân sự làm công tác đối ngoại còn hạn chế về kỹ năng, trình độ ngoại ngữ. Vì thế, theo nữ giám đốc, cần có chính sách đào tạo, thu hút nhân tài để nâng cao chất lượng của bộ máy hành chính của tỉnh.
Đối ngoại địa phương: Đổi mới tư duy để bứt phá Quyết liệt đổi mới, hội nhập phải đi vào chiều sâu, vừa “tư duy toàn cầu” để bắt kịp tình hình và tốc độ hội ... |
Phó Thủ tướng làm việc tại Đắk Lắk về di dân tự do Ngày 25/7, tại Buôn Ma Thuột, Đoàn công tác của Chính phủ do Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ... |
Điều chỉnh quy hoạch KCN tỉnh Đắk Lắk Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020. |