📞
Ngành Ngân hàng tỉnh Đồng Nai:

Đảm bảo tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Kiến An 21:45 | 06/10/2022
Trên cơ sở bám sát các nội dung chỉ đạo của NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã thực hiện tốt chức năng quản lý về tiền tệ - ngân hàng, cơ bản đạt được các mục tiêu về tăng trưởng theo tiêu chí bền vững, ổn định, tập trung nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Phạm Quốc Bảo - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, năm 2021 thực sự là một năm đầy khó khăn, thách thức bởi ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc, sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức Chi nhánh cũng như kết quả hoạt động của các TCTD trên địa bàn, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức, hoạt động tiền tệ - ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 tiếp tục duy trì được sự ổn định, tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, gặt hái được những thành quả rất đáng khích lệ.

Cụ thể, tổng nguồn vốn huy động tại chỗ tính đến cuối năm 2021 đạt 273.952 tỷ đồng, tăng 11,75% so với cùng kỳ. Dù chưa đạt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra (kế hoạch: 12% - 14% so với đầu năm), song tỷ lệ tăng trưởng huy động vẫn duy trì được xu hướng tăng cao hơn mức tăng trưởng của toàn hệ thống. Bên cạnh đó, tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì xu hướng tăng ngay từ đầu năm và có sự bứt phá vào những tháng cuối năm, sau thời gian dài toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Nhờ vậy, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn tỉnh đã vượt kế hoạch xây dựng từ đầu năm là 15,18%, tiếp tục giữ mức cao so với tăng trưởng toàn hệ thống.

Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của NHNN, Chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD triển khai đồng bộ các giải pháp về tín dụng và dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm giảm áp lực cho doanh nghiệp trong trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Kết quả, tín dụng tăng trưởng tích cực, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn Đồng Nai tăng 15,18% so với năm 2020 và đến tháng 3/2022, tổng dư nợ tăng 9,42% so với cuối năm 2021. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh như: xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục duy trì mức tăng trưởng. Ngoài ra, các chính sách tín dụng về nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, doanh số, dư nợ và số lượng khách hàng được vay vốn ngày càng tăng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đến cuối tháng 3/2022, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn đạt 85.587 tỷ đồng, chiếm 28% dư nợ cho vay nền kinh tế toàn tỉnh, tăng 8,5% so với cuối năm 2021.

Trên địa bàn tỉnh tại thời điểm cuối tháng 3/2022 cũng đã có 16.812 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay với dư nợ là 2.520 tỷ đồng. Trong đó, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 16.511 khách hàng với dư nợ (gốc, lãi) là 2.472 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 301 khách hàng với dư nợ 48 tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế đạt 344.245 tỷ đồng, đến cuối tháng 3/2022, dư nợ cho vay mới đạt 72.876 tỷ đồng của 43.129 khách hàng. Lũy kế đến tháng 3/2022, các TCTD trên địa bàn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay cho 26.829 khách hàng, kể cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh tế gia đình với tổng giá trị nợ lũy kế là 12.005 tỷ đồng. Từ những kết quả trên nên tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn luôn được kiểm soát tốt, duy trì ở mức dưới 2% tổng dư nợ theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Với khí thế thi đua sôi nổi bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, NHNN chi nhánh tỉnh tiếp tục chủ động triển khai thực hiện tốt các chủ trương chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, của Ngành và của tỉnh trong năm 2022 để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Theo ông Phạm Quốc Bảo, thời gian tới, Chi nhánh sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai tích cực và hiệu quả hệ thống chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen..

Tăng cường chỉ đạo các TCTD cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất; tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân được vay vốn ngân hàng thuận lợi. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị Định 31, tung ra gói 40 ngàn tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp tục vươn lên phục hồi sau dịch Covid 19. NHNN cũng đã ban hành thông tư số 03 để nêu rõ các đối tượng cũng như các ngành nghề kinh doanh được hưởng hỗ trợ từ gói vay này. Trên cơ sở đó, NHNN chi nhánh Đồng Nai sẽ tiếp tục làm việc với các TCTD, đề nghị đẩy nhanh các trình tự, thủ tục, quyết tâm giải ngân nguồn vốn này cho doanh nghiệp càng sớm càng tốt. Đồng thời, tìm nhiều giải pháp để thông báo cho doanh nghiệp nắm về các điều kiện, thủ tục vay vốn và đảm bảo tính minh bạch đối với khoản vay quan trọng này.

Để nâng cao chất lượng tín dụng, Chi nhánh tập trung chỉ đạo các TCTD có nợ xấu cao trên địa bàn chủ động xây dựng phương án, kế hoạch xử lý nợ xấu, có các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh. Mặt khác, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên địa bàn.