Tổng thống Burundi Evariste Ndayishimiye trao búa tòa án cho Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir trước sự chứng kiến của Chủ tịch EAC Peter Mathuki (giữa) trong Hội nghị thượng đỉnh EAC ở Arush, Tanzania vào ngày 24/11. (Nguồn: East African) |
Nam Sudan được miễn một phần khoản đóng góp còn đang nợ tổ chức khu vực này. Theo đó, Nam Sudan được xóa nợ 15 triệu USD trong số 36 triệu USD còn thiếu và cam kết sẽ đóng góp đúng hạn hàng năm theo nghĩa vụ của các nước thành viên EAC.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Salva Kiir khẳng định: “Là một quốc gia đối tác, Nam Sudan nhận thức đầy đủ các nghĩa vụ trong hiệp ước đã ký kết, đặc biệt là việc hài hòa hóa luật pháp và chính sách. Chúng tôi đều nhận thức được các nghĩa vụ cần thiết của mình đối với hoạt động của EAC”.
Trước khi nắm quyền lãnh đạo luân phiên, Nam Sudan là nước có khoản nợ phí thành viên EAC lớn nhất, cũng được coi là quốc gia thiếu quan tâm đến các vấn đề của khối này vì vẫn chưa hài hòa hóa các chính sách và luật hải quan của nước này.
Cho tới nay, tất cả các quốc gia thành viên EAC đều nợ phí thành viên mỗi năm, trong đó Burundi đang dẫn đầu với khoản nợ 15,5 triệu USD và CHDC Congo - quốc gia không đóng góp gì kể từ khi gia nhập - nợ khoảng 14,7 triệu USD. Ngoài ra, Rwanda hiện nợ EAC 7,3 triệu USD; Uganda, 6,1 triệu USD; Tanzania, 123.694 USD và Kenya chỉ nợ 20 USD. Việc chuyển tiền đóng góp hàng năm bị trì hoãn đã khiến EAC gặp khó khăn trong việc điều hành hoạt động của tổ chức, buộc phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp của các nhà tài trợ khác.
Tại Hội nghị lần này, để đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho tổ chức khu vực này, nguyên thủ các nước EAC đã ra quyết định thời gian tới, 65% số tiền đóng góp cho tổ chức sẽ được chia đều cho tất cả các quốc gia thành viên, trong khi 35% còn lại sẽ được đóng góp dựa trên mức đánh giá về khả năng tài chính của các nước.