Ngày 22/12, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện, Đặc phái viên về vấn đề biên giới của Trung Quốc và ông Ajit Doval, Cố vấn An ninh Quốc gia, Đặc phái viên về vấn đề biên giới của Ấn Độ chủ trì vòng đàm phán về biên giới cấp đặc phái viên lần thứ 20 tại Thủ đô New Delhi. Trước đó, hàng chục cuộc đàm phán về biên giới đã diễn ra nhưng việc giải quyết mâu thuẫn giữa hai quốc gia ở khu vực biên giới dường như tiếp tục là câu chuyện của tương lai.
1 tuần đàm phán và họp báo bất thường
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru tại New Delhi ngày 20/4/1960. |
Cuộc thảo luận chính thức đầu tiên về biên giới Ấn – Trung được tổ chức giữa Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và Thủ tướng đầu tiên Ấn Độ Jawaharlal Nehru vào tháng 4/1960 tại New Delhi. Sau gần 1 tuần thảo luận với người đồng cấp Nehru về vấn đề biên giới, ngày 25/4, Thủ tướng Chu Ân Lai đã tổ chức họp báo kéo dài từ 10h45 tối đến 1h sáng với sự tham dự của một số nhà báo Ấn Độ và quốc tế. Các cuộc đàm phán đã thất bại trong việc giải quyết những bất đồng và Ấn Độ - Trung Quốc nên bắt đầu đàm phán biên giới và làm rõ các quan điểm của mình bằng các chứng cớ và tài liệu lịch sử.
Tại cuộc họp báo tối muộn bất thường đó, Thủ tướng Chu Ân Lai đã trả lời một số câu hỏi về tranh chấp biên giới - điểm mấu chốt trong mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa hai nước láng giềng.
Trước đó cùng ngày, thông cáo chung về cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ nêu rõ: "Hai Thủ tướng giải thích đầy đủ quan điểm của mình về những vấn đề ảnh hưởng đến khu vực biên giới. Điều này giúp cho hai chính phủ hiểu biết hơn về quan điểm của nhau, song cuộc đàm phán không dẫn đến việc giải quyết những khác biệt đã nảy sinh”.
“Vì vậy, hai Thủ tướng nhất trí rằng các quan chức của hai chính phủ nên gặp gỡ và kiểm tra, khảo sát và nghiên cứu tất cả tài liệu lịch sử, hồ sơ, báo cáo, bản đồ và các tài liệu khác có liên quan đến vấn đề biên giới để bổ sung vào lập luận của mình và xây dựng báo cáo trình lên hai chính phủ”.
2 thập niên “băng giá”
Cũng trong năm 1960 đó, hai vòng đàm phán nữa đã được tổ chức ở Bắc Kinh và Rangoon (bây giờ là Yangon), Myanmar. Kết quả là rất nhiều báo cáo mà các chuyên gia từ cả hai nước đã nghiền ngẫm cho đến cuối năm 1962, khi chiến tranh biên giới bùng nổ. Trung Quốc đưa quân tiến sâu vào biên giới Ấn Độ và chiếm quyền kiểm soát vùng Aksai Chin.
Quan hệ Trung - Ấn trở nên càng căng thẳng, thậm chí thù địch. Khi Thủ tướng Chu Ân Lai rời khỏi sân bay New Delhi vào ngày 26/4/1960, đây cũng chính là chuyến thăm cuối cùng của nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đến Ấn Độ tính đến năm 1981. Trong gần hai thập niên đó, hầu như không có bất kỳ cơ hội nào cho các cuộc đàm phán chính thức về biên giới giữa hai nước.
Hy vọng các cuộc đàm phán chính thức được nhen nhóm vào tháng 6/1981, khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hoàng Hoa thăm New Delhi và đến chào Thủ tướng Indira Gandhi. Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 12 năm đó.
"Hai bên bày tỏ nguyện vọng chung về việc giải quyết vấn đề biên giới Trung Quốc - Ấn Độ cũng như sự phát triển quan hệ giữa hai nước và đạt được điểm đồng về các vấn đề thủ tục", theo hãng Tân Hoa Xã trong một báo cáo về cuộc đàm phán.
Bảy vòng đàm phán nữa đã được tổ chức từ năm 1981 đến năm 1987. Sau chuyến thăm của Thủ tướng Rajiv Gandhi tới Trung Quốc năm 1988, hai nước đã thiết lập cơ chế Nhóm làm việc chung (JWG) để tìm giải pháp cho sự bất đồng về vấn đề biên giới và tính đến năm 2003, 15 vòng đàm phán được diễn ra theo cơ chế này.
Sự nâng cấp chiến lược
Tuy nhiên, kết quả của các cuộc gặp JWG vẫn còn hạn chế. Năm 2003, trong chuyến thăm của Thủ tướng AB Vajpayee tới Trung Quốc, hai bên đồng thuận lập cơ chế đàm phán đặc phái viên (SR) - diễn đàn quan trọng để giải quyết những tranh chấp trên biên giới giữa hai nước. Vòng đàm phán SR lần đầu tiên được tổ chức với sự chủ trì của Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Brajesh Mishra và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc tại New Delhi.
Ông Dương Khiết Trì và ông Ajit Doval tại Bắc Kinh, tháng 7/2017. (Nguồn: Reuters) |
Đối thoại biên giới cấp SR lần thứ 20 tại Thủ đô của Ấn Độ là cuộc đàm phán đầu tiên sau căng thẳng kéo dài 73 ngày liên quan đến vùng Doklam nằm giữa ngã ba Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Tuần trước, vấn đề Doklam đã được nêu lên trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Ấn Độ để tham dự cuộc gặp ba Ngoại trưởng Nga - Ấn – Trung (RIC).
Trong khi các thông cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ mang tính tích cực và kỳ vọng thì tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ, sự kiện Đông Lãng/ Doklam xảy ra do quân đội Ấn Độ thâm nhập trái phép qua đường biên giới vào lãnh thổ Trung Quốc là một thử thách nghiêm trọng trong quan hệ song phương. Vụ việc cuối cùng đã được giải quyết hòa bình thông qua biện pháp ngoại giao, cho thấy quan hệ Trung Quốc - Ấn đang ngày càng trở nên chín chắn nhưng cần rút kinh nghiệm để tránh sự cố tương tự xảy ra.
Việc Trung Quốc khuấy động vấn đề biên giới bằng những tuyên bố cứng rắn trước thềm vòng đàm phán SR dường như có hàm ý “nhắc nhở Ấn Độ không gây ra vấn đề và không làm xấu đi quan hệ song phương”. Chính vì thế, sự hiện diện của ông Dương Khiết Trì tại New Delhi khó hứa hẹn mang lại triển vọng cho tranh chấp biên giới ngày càng nóng bỏng giữa hai nước.