📞

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung khiến chứng khoán đi lên, giá dầu đi xuống

09:44 | 12/02/2019
Các thị trường chứng khoán thế giới hầu hết đi lên trong phiên giao dịch ngày 11/2 giữa bối cảnh giới chức Mỹ và Trung Quốc bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại quan trọng tại Bắc Kinh.

Cụ thể tại thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 ở thị trường London (Anh) phiên này tăng 0,8% lên 7.129,11 điểm vào cuối phiên giao dịch. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) khép phiên tăng 1% lên 11.014,59 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) tiến 1,1% lên 5.014,47 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 cũng tăng 1% lên 3.165,61 điểm vào lúc đóng cửa phiên giao dịch.

Theo nhà phân tích David Madden của công ty tư vấn đầu tư CMC Markets, thị trường chứng khoán châu Âu đã có một phiên tăng điểm tích cực do nhà đầu tư kỳ vọng vào vòng đàm phán tiếp theo giữa Washington và Bắc Kinh. Song chuyên gia này cho rằng rằng hai bên vẫn còn nhiều vấn đề khác biệt, vì vậy rất khó đảm bảo rằng các cuộc đàm phán sẽ đi đến thành công.

dam phan thuong mai my trung khien chung khoan di len gia dau di xuong
Một nhà giao dịch tại Sàn chứng khoán New York (NYSE), ngày 8/2. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó tại thị trường Mỹ, Phố Wall lại có một phiên tăng giảm thất thường khi những bất ổn xung quanh vấn đề ngân sách lại làm “nguội lạnh” tâm lý nhà đầu tư. Các cuộc đàm phán về an ninh biên giới tại Mỹ tiếp tục bế tắc sau khi giới lập pháp hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn chưa thể vượt qua những bất đồng về chính sách bắt giữ người nhập cư, khiến Chính phủ liên bang Mỹ chưa thể thoát khỏi hoàn toàn nguy cơ đóng cửa.

Phiên này tại thị trường Phố Wall, chỉ số S&P 500 khép phiên tăng 0,1% lên 2.709,80 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tiến 0,1% lên 7.307,9 điểm. Riêng chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt mất 0,2% và rơi xuống 25.053,11 điểm.

* Trong khi đó, giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 11/2 khi những lo ngại về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung mới được nối lại khó tiến triển nhanh "lấn át" nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác dầu của các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới.

Tại New York, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn khép phiên hạ 0,95% (0,59 USD) xuống 61,51 USD/thùng. Trong lúc giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 0,59% xuống chốt phiên ở mức 52,41 USD/thùng.

Đồng USD mạnh lên cũng là yếu tố chi phối giá dầu giao kỳ hạn. Số liệu mới nhất tại thị trường châu Á cho thấy chỉ số đồng USD hiện ở mức 97,06, sau khi tăng 0,45% trong phiên 11/2 - mức tăng lớn nhất kể từ phiên 24/1.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của khối này dự kiến nhóm họp trong các ngày 17-18/4 tại Vienna, Áo, nhằm xem xét lại thỏa thuận đã có hiệu lực từ tháng 1/2019 nhằm cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày tổng cộng cho đến cuối tháng 6/2019. Các biện pháp trừng phạt Mỹ đưa ra đối với Venezuela và Iran đang ngăn giá dầu giảm hơn nữa.

* Theo nguồn tin từ Nhà Trắng, Phó Đại diện Thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong các cuộc họp trù bị bắt đầu từ ngày 11/2 và kéo dài đến ngày 13/2. Sau đó, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin của Mỹ sẽ tham gia cuộc đàm phán chính thức vào ngày 14-15/2. Phái đoàn Trung Quốc sẽ do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, cùng với Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC, ngân hàng trung ương) Yi Gang.

* Ngày 11/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay Bắc Kinh hy vọng các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp, trong bối cảnh vòng đàm phán mới về vấn đề này đã bắt đầu tại thủ đô Bắc Kinh. Các cuộc đàm phán sơ bộ ở cấp thấp hơn bắt đầu diễn ra ngày 11/2 trước khi Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin của Mỹ tham gia cuộc đàm phán chính vào ngày 14-15/2 tới.

Nếu giới chức hai nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập từ Trung Quốc.

(theo Reuters/TTXVN)