Ngày 15/8, Phái đoàn đàm phán của Chính phủ Sudan đã trở về Khartoum từ Addis Ababa khi Liên minh châu Phi (AU) thông báo đàm phán dừng vô thời hạn. Trưởng đoàn Ibrahim Mahmoud Hamid khẳng định, đàm phán thất bại do sự thiếu nghiêm túc của các nhóm nổi dậy trong việc hướng tới thỏa thuận ngừng bắn.
Các nhóm nổi dậy yêu cầu sau khi có lệnh ngừng bắn, viện trợ nhân đạo phải được chuyển bằng đường không đến các khu vực nổi dậy tại hai bang Nam Kordofan, Blue Nile từ Ethiopia, Nam Sudan và Kenya. Chính phủ Sudan đã bác điều kiện này.
Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Sudan Ibrahim Mahmoud Hamid. (Nguồn: Getty) |
Tuần trước, các nhóm phiến quân lớn ở Sudan thông báo đã ký lộ trình hòa bình do AU làm trung gian nhằm chấm dứt tình trạng xung đột đẫm máu ở các khu vực Darfur, Blue Nile và Nam Kordofan. Các nhóm ký kết bao gồm Phong trào Công lý và Bình đẳng (JEM), Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan khu vực miền Bắc (SPLM-N), cùng nhóm đối lập chính trị lớn nhất là đảng Umma. Đại diện của chính phủ Sudan đã ký lộ trình hòa bình trong vòng đàm phán trước diễn ra hồi tháng 3 vừa qua ở thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), nhưng đến ngày 8/8 các nhóm phiến quân mới ký vào văn bản trên. Lộ trình hòa bình sẽ mở đường cho việc thương lượng một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và cách thức phân phát viện trợ nhân đạo cho 3 khu vực xung đột trên. Đây là lần đầu tiên các bên ký thỏa thuận như vậy kể từ khi giao tranh bắt đầu tại miền Nam của Sudan. Các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn đã được bắt đầu ngay sau đó. |
Trong khi đó, Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan khu vực miền Bắc (SPLM-N) cho rằng, phía chính phủ phải chịu trách nhiệm về việc đàm phán đổ vỡ và "đã bỏ lỡ cơ hội lớn nhất để đạt được hòa bình".
Theo Người phát ngôn của nhóm này, quân nổi dậy muốn một phần viện trợ đến từ bên ngoài Sudan để tránh việc chính phủ cắt đứt viện trợ như đã từng làm tại Darfur.
Các nhóm vũ trang tại khu vực Darfur, trong đó có JEM và Phong trào Giải phóng Sudan đã tiến hành hoạt động nổi dậy chống chính phủ từ năm 2003. Khu vực Nam Kordofan và Blue Nile đã chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang thường xuyên giữa quân đội Chính phủ Sudan và SPLM-N kể từ năm 2011.
Đến nay, 10 vòng đàm phán hoà bình giữa Chính phủ Sudan và SPLM-N tại Addis Ababa chưa mang lại kết quả nào đáng kể. Tương tự, các cuộc đàm phán hoà bình giữa Chính phủ Sudan và các nhóm vũ trang tại Darfur cũng chưa đạt được thoả thuận chấm dứt thù địch.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, hơn 2,5 triệu người Sudan đã phải rời bỏ nhà cửa trong khi khoảng 300.000 người thiệt mạng trong các vụ giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy kể từ năm 2003.