Hôm 25/12, hàng trăm cư dân làng Sumber Jaya, phía Tây đảo Java (Indonesia) đã tháo chạy tán loạn khi nghe tin đồn sẽ có một trận sóng thần mới tấn công. Nhiều người dân sử dụng xe tải, xe máy hoặc chạy bộ đến những vị trí cao hơn, trong khi mực nước biển đang dâng lên. “Hãy chạy lên đồi, nước đang đến!”, đám đông hét lên. Một số người dắt theo trẻ nhỏ và nhiều người đã bật khóc.
Tình hình trở nên ổn định hơn sau khi nhà thờ Hồi giáo tại địa phương thông báo bằng loa rằng mực nước dâng cao chỉ là đợt thủy triều thông thường, không phải sóng thần.
Lo lắng, hoảng sợ vẫn là tâm lý chung của rất nhiều người dân ven bờ biển Indonesia sau trận sóng thần kinh hoàng hôm 22/12. Theo ông Sutopo Purwo Nugroho - Phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý thiên tai Indonesia, đến ngày 25/12, đã có 429 người thiệt mạng, hơn 1.400 người bị thương và khoảng 128 người vẫn đang mất tích.
Hàng trăm cư dân làng Sumber Jaya, phía Tây đảo Java (Indonesia) đã tháo chạy tán loạn khi nghe tin đồn sẽ có một trận sóng thần mới tấn công. (Nguồn: AFP) |
Hàng ngàn người dân Indonesia vẫn đang phải ở trong các lều bạt, nơi trú ẩn tạm thời như nhà thờ Hồi giáo, trường học, các cơ sở công cộng… Rất nhiều người vẫn đang phải chịu sang chấn tâm lý sau thảm họa. “Chúng tôi vẫn lo sợ và hầu như không thể ngủ được vào ban đêm”, cô Enah (29 tuổi) - một người dân may mắn sóng sót kể lại.
Một quan chức địa phương ở thành phố Labuan, tỉnh Atmadja Suhara cho biết, ông đang chăm sóc khoảng 4.000 người tị nạn, phần lớn đều đã mất nhà cửa: “Mọi người vẫn đang trong tình trạng hoảng loạn. Chúng tôi thường có thảm họa, nhưng không tệ như thế này”, ông nói.
Nhà chức trách Indonesia mới đây đã ra lệnh cảnh báo về những đợt sóng cao hơn nữa có thể xảy ra và khuyên người dân nên tránh xa bờ biển. Tiến sĩ Hermann Fritz (Viện Công nghệ Georgia, Mỹ) nhận định: “Do núi lửa Anak Krakatau liên tục phun trào trong nhiều tháng qua nên không thể loại trừ những đợt sóng thần bổ sung trong thời gian tới”.
Tại cuộc họp báo tối ngày 25/12, Giám đốc của Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia Dwikorita Karnawati cho biết, hiện tại các bức tường xung quanh miệng núi lửa đang rất yếu. Ngoài ra, tác động từ các đợt mưa xung quanh núi lửa cũng có thể khiến thảm họa ập đến bất cứ lúc nào.
“Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi các hoạt động địa chất của núi lửa Anak Krakatoa, đặc biệt là dưới thời tiết khắc nghiệt và sóng cao có thể gây ra sự sụp đổ của sườn núi lửa dẫn đến sóng thần”, bà Dwikorita Karnawati cho biết thêm.
Công tác tìm kiếm người mất tích và những người thiệt mạng sau thảm họa sóng thần hôm 22/12 vẫn đang được gấp rút triển khai. Chính quyền cho rằng, con số thương vong có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới vì nhiều khu vực chưa thể tiếp cận được do cầu và đường sá đã bị hủy hoại nặng nề sau thảm họa.