Phó Thủ tướng và các thành viên trong đoàn công tác, lãnh đạo và đại diện người dân địa phương bày tỏ lòng thành kính, tri ân đến các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do, vì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, và vì hạnh phúc của nhân dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thắp hương trước Tượng đài liệt sĩ Mạc Thị Bưởi. |
Thắp hương trước tượng đài và phần mộ của anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi, các đại biểu ôn lại quãng đời chiến đấu của người nữ chiến sĩ cộng sản đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
Sinh năm 1927 tại xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Mạc Thị Bưởi là một chiến sĩ du kích, một Đảng viên hoạt động ở địa phương. Trong giai đoạn 1946-1949, bà đã khắc phục mọi khó khăn, kiên trì bám dân, bám đất, xây dựng cơ sở, vận động và lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống giặc, tổ chức được 3 tổ nữ du kích, xây dựng 35 cơ sở ở ba thôn của xã; vận động quần chúng chống nộp thuế, đi phu cho giặc.
Không chỉ làm công tác thông tin, liên lạc trong một số trận đánh của bộ đội ta trên địa bàn, nữ chiến sĩ Mạc Thị Bưởi còn tham gia diệt tề, trừ gian, vận động và tổ chức nhân dân vùng tạm chiến chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm chuyển ra vùng tự do phục vụ chiến đấu cho bộ đội. Tuy nhiên, từ lâu bà đã bị theo dõi và bị địch bắt năm 1951. Sau khi tra tấn cực kỳ tàn bạo nhưng không thể khuất phục được người nữ chiến sĩ cộng sản, kẻ thù đã sát hại Mạc Thị Bưởi khi bà mới 24 tuổi.
Ngày 31/8/1955, liệt sĩ Mạc Thị Bưởi được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương quân công hạng II.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với thân nhân liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. |
An nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, ngoài phần mộ của nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi còn có hơn 100 người con ưu tú của quê hương Nam Tân đã cống hiến máu xương và tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Phó Thủ tướng đã cùng với người dân địa phương thành kính thắp hương trên từng ngôi mộ liệt sĩ.
* Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dâng hương tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh Hưng Yên. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng vạn người con Hưng Yên lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc. Toàn tỉnh có trên 24.800 liệt sĩ, hơn 2.100 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 6.800 thương binh, gần 3.500 bệnh binh và trên 4.800 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam...
Các cấp, các ngành tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm, chăm lo, động viên gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công qua những việc làm thiết thực, góp phần nâng cao đời sống các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tỉnh Hưng Yên. |
Tới thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Ca (96 tuổi), có chồng và con trai là liệt sĩ, sống tại TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, Phó Thủ tướng thăm hỏi sức khoẻ, cuộc sống hằng ngày của mẹ và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với công lao của các anh hùng liệt sĩ. Phó Thủ tướng mong muốn mẹ Tạ Thị Ca tiếp tục sống vui, sống khỏe, là chỗ dựa tinh thần cho con cháu tiếp tục phấn đấu, vươn lên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm bà Dương Thị Thế, cán bộ tiền khởi nghĩa, đội viên Đội nữ du kích Hoàng Ngân. |
Đến thăm nguyên đội viên đội nữ du kích Hoàng Ngân, bà Dương Thị Thế (năm nay 91 tuổi), cán bộ tiền khởi nghĩa đang sống tại thành phố Hưng Yên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trò chuyện, thăm hỏi sức khoẻ của bà và nhắc lại những ký ức không thể phai mờ về những trận đánh, chiến công của các đội nữ du kích Hoàng Ngân trong kháng chiến chống Pháp.
Đội nữ du kích Hoàng Ngân được thành lập theo nghị quyết đặc biệt của Tỉnh uỷ Hưng Yên năm 1950 để noi theo tinh thần chiến đấu của nữ chiến sĩ cách mạng Lê Thị Vân (bí danh Hoàng Ngân), người có nhiều cống hiến, xây dựng và phát triển phong trào phụ nữ cứu quốc ở Bắc Bộ.
Từ đội nữ du kích Hoàng Ngân, trường đào tạo nữ cán bộ du kích Hoàng Ngân được thành lập, phong trào nữ du kích Hoàng Ngân phát triển mạnh mẽ, thu hút 7.365 đội viên nữ (tính đến tháng 7/1952). Các đội nữ du kích Hoàng Ngân sáng tạo thêm nhiều cách đánh linh hoạt, chủ động “tìm địch mà diệt”. Từ năm 1953 đến đầu năm 1954, có hơn 1.804 cuộc đấu tranh chống bắt lính, đòi 4.574 thanh niên thoát khỏi tay giặc. Trong công tác địch vận, nòng cốt là lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân, chỉ riêng tháng 7/1954 toàn tỉnh vận động được 1.400 sĩ quan, binh lính địch mang súng và 14 ô tô về với nhân dân.
Phong trào du kích Hoàng Ngân kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam, những con người bình dị, mảnh mai nhưng chứa đựng một tinh thần thép, sức mạnh vô biên trước kẻ thù, làm nên một bản anh hùng ca bất diệt, minh chứng cho sức mạnh vô song diệu kỳ của phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Phong trào là biểu tượng sinh động với muôn vàn tấm gương tiêu biểu cho truyền thống “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang” của phụ nữ Việt Nam.
Mong muốn bà Dương Thị Thế luôn sống vui, sống khỏe, là chỗ dựa tinh thần cho con cháu tiếp tục phấn đấu, vươn lên, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân tỉnh Hưng Yên cần phát huy truyền thống, làm thật tốt công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công, gia đình chính sách, thể hiện đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Qua đó khơi dậy truyền thống cách mạng không chỉ trong bảo vệ Tổ quốc mà cả trong xây dựng đất nước giàu mạnh.