Việc quan tâm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là khâu rất quan trọng để doanh nghiệp trong nước bảo vệ các thương hiệu của mình, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trong thời kỳ hội nhập.
Đây là thông tin được nêu ra tại hội thảo “Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các nước ASEAN trong quá trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN”, do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Hội Sở hữu trí tuệ Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 13/7 tại Tp. Hồ Chí Minh.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã phổ biến các quy định pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu và thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam; đăng ký nhãn hiệu tại các nước ASEAN thông qua hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu Madrid; đăng ký nhãn hiệu trực tiếp tại một số quốc gia ASEAN…
Theo ông Vương Đức Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện có hai con đường để đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài, đó là đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia và đăng ký thông qua hệ thống Madrid (bao gồm Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid, với 78 quốc gia tham gia hệ thống).
Thông qua hệ thống Madrid, người nộp đơn chỉ phải nộp một đơn duy nhất để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại nhiều nước và rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí đăng ký. Do vậy, các doanh nghiệp cần nhanh chóng tìm hiểu và đăng ký quốc tế để bảo vệ thương hiệu của mình trước nguy cơ bị xâm phạm.
Dẫn chứng một số vụ việc, ông Vương Đức Tuấn cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt với các tình trạng bị chiếm đoạt nhãn hiệu ở một số thị trường trong nước và nước ngoài, phải dành nhiều thời gian, tiền bạc để đòi lại quyền của mình. Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới có ý thức hơn về bảo vệ hàng hóa, sản phẩm thương hiệu của mình. Sở hữu trí tuệ trong thời gian hiện nay rất được coi trọng và đặc biệt trong thời kỳ hội nhập.
Trong quý I/2016, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - ASEAN đạt 9,74 tỷ USD, tăng gấp 10 lần năm 2002. Hiện nay, hàng hóa của các nước trong khu vực xâm nhập ngày càng sâu rộng vào Việt Nam, trong khi đó nhiều hàng hóa chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị làm giả, làm nhái do thiếu bảo hộ nhãn hiệu.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Tp. Hồ Chí Minh, hiện cơ cấu xuất khẩu của nước ta sang ASEAN đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nâng cấp cả về chất lượng và giá trị. Ngoài những mặt hàng nông sản và nguyên liệu như gạo, cà phê, cao su, dầu thô có hàm lượng chế tác thấp, nước ta đã xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp như linh kiện máy tính, dệt may, nông sản chế biến, mỹ phẩm với giá trị cao và ổn định.
Ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, trong tương lai doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp rất nhiều trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Do đó, tổ chức, cá nhân cần chủ động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các tài sản trí tuệ một cách nhanh chóng.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp cũng chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; trong đó cho rằng, khó khăn vướng mắc khi đăng ký quốc tế hiện nay là thiếu thông tin hướng dẫn về pháp luật của nước sở tại, không có nguồn tra cứu thông tin về chuyên môn, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các đại diện sở hữu công nghiệp… Do vậy, các đại biểu mong muốn các cơ quan chức năng có chính sách nhằm hỗ trợ thông tin và đào tạo chuyên sâu cho doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập