📞

Đằng sau chiến lược “Made in China 2025”

10:28 | 24/05/2015
Trao quyền cho ngành sản xuất, thúc đẩy đổi mới sản xuất được kỳ vọng sẽ là chìa khóa giúp Trung Quốc tăng trưởng bền vững.
Vận tải là một trong 10 ngành được tăng cường phát triển công nghệ cao.

Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 19/5 chính thức công bố khởi động chiến lược quốc gia "Made in China 2025" với mục tiêu đưa Trung Quốc từ nước lớn về công nghiệp sản xuất trở thành cường quốc về công nghiệp chế tạo trên thế giới.

Tham vọng lớn

Chiến lược "Made in China 2025" (Sản xuất tại Trung Quốc 2015) được đề xuất lần đầu tiên trong báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc trình bày trước Quốc hội vào tháng 3/2015. Trong đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố sẽ thực kế hoạch đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất cùng với kế hoạch "Internet Plus" dựa trên đổi mới, công nghệ thông minh, Internet di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và "Internet of Things" - mọi thứ đều được kết nối trên Internet. Ngoài ra, việc thực hiện chiến lược quốc gia "Made in China 2025" sẽ giúp định hướng thị trường thông qua định hướng của chính phủ.

Trong đó, Trung Quốc đề ra chín ưu tiên để đưa nước này thành cường quốc sản xuất của thế giới, bao gồm tăng cường đổi mới, tích hợp công nghệ thông tin với sản xuất, quảng bá nhãn hiệu Trung Quốc, khuyến khích sản xuất xanh, tái cơ cấu các ngành sản xuất, quốc tế hóa sản xuất… Chính phủ cam kết tăng cường đầu tư để phát triển mười ngành công nghệ cao như thiết bị hàng không không gian, vận tải công nghệ cao, tàu và thiết bị hàng hải công nghệ cao, y dược sinh học…

Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thông tin Miêu Vũ, đây là kế hoạch hành động mười năm với tham vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc về công nghiệp chế tạo. Nhằm thực hiện thành công chiến lược này, chính quyền Trung Quốc sẽ tập trung vào năm dự án lớn, trong đó có việc thành lập một trung tâm đổi mới sản xuất, đưa ra hàng loạt chính sách nhằm tăng cường cải cách thể chế và tăng cường hỗ trợ tài chính, cũng như tăng chi phí nghiên cứu phát triển từ 0,88% doanh số sản xuất trong năm 2013 lên 1,68% vào năm 2025.

Theo ông Miêu Vũ, mục tiêu của chiến lược trong từng giai đoạn là: Đến năm 2020, cơ bản thực hiện công nghiệp hoá, vị thế nước lớn về công nghiệp chế tạo được tăng cường, trình độ thông tin hoá công nghiệp chế tạo được nâng cao rõ rệt; Đến năm 2025, tổng thể chất lượng ngành công nghiệp chế tạo được nâng cao, năng lực sáng tạo được tăng cường, hình thành một chỉnh thể các ngành sản xuất và công ty xuyên quốc gia có năng lực cạnh tranh quốc tế; Đến năm 2035, công nghiệp chế tạo sẽ đạt trình độ cao, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới trong lĩnh vực này.

Nhiều rủi ro

Bắc Kinh công bố chiến lược "Made in China 2025" trong thời điểm các nhà máy ở nước này đang gặp nhiều khó khăn vì cầu giảm, nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực. Trong báo cáo công tác, Chính phủ Trung Quốc cũng thừa nhận ngành công nghiệp sản xuất nước này phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như môi trường suy thoái, tài nguyên sụt giảm, chi phí lao động tăng, đầu tư và xuất khẩu chậm lại đáng kể.

Chi phí sản xuất tăng cao đang trở thành nguyên nhân chính cản trở đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất Trung Quốc và ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ ở nước ngoài đối với các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Mức lương trung bình hàng tháng của công nhân tăng 11,6% lên khoảng 457 USD trong năm 2014. Nhu cầu mua hàng Trung Quốc đang giảm đi trông thấy. Xuất khẩu chỉ tăng 6,1% trong năm 2014, chậm đi nhiều so với mức tăng trưởng 7,9% của năm 2013.

Trước thực tế đó, cùng với những tuyên bố và kế hoạch cụ thể cho chiến lược "Made in China 2025", giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc đã và đang bước vào giai đoạn "thay máu", chuyển đổi từ tăng trưởng nóng sang tăng trưởng bền vững, tái cân bằng tăng trưởng và ích lợi xã hội. Với việc chuyển đổi mang tính cơ bản, nước này đang mong muốn chuyển từ một quốc gia nhận đầu tư sang quốc gia đầu tư xuất khẩu tư bản, tăng trưởng phụ thuộc vào đầu tư ở ngoài nước.

Tuy nhiên, Trung Quốc buộc phải đối mặt với một số rủi ro mà Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ rõ. Đầu tiên là nợ của các chính quyền địa phương ngày càng nhiều có thể dẫn đến sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng đầu tư tại các địa phương. Hai là, chi phí vốn của ngành bất động sản và các ngành công nghiệp khác đột biến hoặc sáp nhập khó khăn có thể khiến hoạt động kinh tế giảm đáng kể. Ba là, sự phục hồi kinh tế của các nước phát triển yếu sẽ khiến Trung Quốc không phục hồi được tăng trưởng xuất khẩu. An Sinh