Vụ phóng diễn ra chỉ một ngày sau khi Hàn Quốc hoãn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Đây là vụ phóng tên lửa thứ 10 của Triều Tiên kể từ đầu năm nay và là vụ thử tên lửa thứ 5 kể từ khi ông Moon Jae-in nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc. Vụ phóng được tiến hành chỉ sau đúng một tuần khi Liên hợp quốc (LHQ) mở rộng lệnh trừng phạt đối với Chính quyền Bình Nhưỡng do đã tiến hành một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo trước đó.
Một loại tên lửa chống hạm chưa rõ định danh vừa được công bố trong lễ diễu binh ngày 15/4. (Nguồn: AP) |
Tính toán kỹ càng
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tên lửa của Triều Tiên đã bay được khoảng 200 km trước khi rơi xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, nơi hồi tuần trước mới diễn ra cuộc tập trận chung hải quân Mỹ-Hàn với sự hiện diện của 2 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan.
Giới chức quân đội Hàn Quốc cho rằng vụ phóng của Triều Tiên nhiều khả năng là muốn thể hiện năng lực tấn công chính xác một tàu chiến lớn của đối phương và có thể Triều Tiên đang tìm cách giành ưu thế trong các quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Seoul, người phát ngôn lực lượng liên quân Hàn Quốc cho rằng vụ phóng thử của Triều Tiên nhằm "thể hiện khả năng đa dạng về các loại tên lửa, trong đó có tên lửa chống hạm" và hành động này của Bình Nhưỡng không hề vi phạm lệnh cấm của LHQ.
Bên cạnh đó, Chính quyền Bình Nhưỡng được cho là "tính toán rất cẩn thận trong các hành động gây hấn và đã kiềm chế thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hay thử hạt nhân - điều có thể khiến Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công trả đũa".
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngay lập tức đã triệu tập cuộc họp đầu tiên của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), bao gồm các thư ký cấp cao của tổng thống về vấn đề an ninh, thủ tướng, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Thống nhất để thảo luận về các biện pháp có thể được áp dụng nhằm chống lại việc Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa. Đồng thời, đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ đối với Triều Tiên rằng quốc gia này sẽ chỉ chịu sự cô lập và các lệnh trừng phạt hơn nữa từ cộng đồng quốc tế do những hành động khiêu khích liên quan tới các vụ phóng tên lửa của mình.
Phát biểu tại cuộc họp của NSC, ông Moon Jae-in khẳng định Hàn Quốc sẽ không lùi bước trước bất kỳ sự khiêu khích nào của Triều Tiên và Seoul sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn cho người dân.
Tuy nhiên, ông Moon Jae-in cũng giữ vững lập trường tìm kiếm các kênh đối thoại với Bình Nhưỡng để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông khẳng định, Seoul sẽ tiếp tục theo đuổi nỗ lực chấm dứt chương trình phát triển vũ khí đầy tham vọng của Triều Tiên bằng cả biện pháp trừng phạt và đối thoại.
Bản đồ nơi Triều Tiên bắn tên lửa chống hạm mới. |
Gây sức ép
Ngoài ra, theo nhà phân tích Hong Hyun-ik thuộc Viện nghiên cứu Sejong, vụ thử tên lửa lần này của Triều Tiên còn nhằm gây sức ép với Seoul và Washington trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn diễn ra vào cuối tháng 6 này. Ông nhấn mạnh: "Triều Tiên đang cố thể hiện mình và gây sức ép đối với ông Moon Jae-in nhằm có được sự nhượng bộ lớn để giảm căng thẳng như việc nối lại các dự án kinh tế chung".
Trong khi đó, nhận định trên AFP, Giáo sư Yang Moo-Jin của Đại học Triều Tiên (Seoul) khẳng định: "Triều Tiên đang tăng cường thử nghiệm tên lửa để thế giới thấy rằng các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế không thể làm họ chùn bước".
Trang mạng Al Jazzeera dẫn lời người đứng đầu Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ - Phó Đô đốc James Syring ngày 7/6 bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tiến bộ mà Triều Tiên đã đạt được trong chương trình phát triển tên lửa, đồng thời cho rằng Washington cần phải giả định Bình Nhưỡng có thể tấn công Mỹ bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Theo ông Syring, Triều Tiên không chỉ đang thử tên lửa với một tần suất đáng báo động mà còn đang phô diễn công nghệ hướng tới phát triển các tên lửa có tầm xa hơn và có khả năng cao hơn.