Nếu không có dòng chữ Infosys nổi bật trên đỉnh tòa nhà, hầu hết chúng tôi có cảm giác như lạc vào một… công viên. Trong không gian rộng hàng trăm mẫu, Infosys thiết kế đầy đủ hệ thống hạ tầng như một thành phố thu nhỏ với các nhà hát, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục, sân bóng rổ, sân tennis, nhà hàng, thậm chí có cả một màu xanh bát ngát giúp các nhà lập trình “chiến đấu” những cơn stress trong công việc. Để tạo môi trường cống hiến tốt nhất, Infosys cho phép người nhà của các nhân viên có thể vào đây vui chơi thoải mái trong những giờ và ngày nghỉ.
Cũng giống như Infosys, tại Wipro, một công ty công nghệ thông tin hàng đầu khác của Ấn Độ tại khu công nghệ cao Electronics City (Thành phố điện tử), nhân viên có thể sử dụng sân bóng rổ, bể bơi, phòng thể dục dụng cụ… kể từ sau 18h. Có nhiều căng-tin xung quanh khu Wipro, mở cửa suốt 24 giờ để cung cấp thực phẩm cho giới “cổ trắng”.
Theo bà Radhika Mahadevan, Trợ lý Giám đốc Tiếp thị Chiến lược của Wipro, sự hiện diện của những khu giải trí như vậy hoàn toàn nằm trong chiến lược con người của hãng. Từ những năm đầu lập nghiệp, các nhà lãnh đạo Infosys đã luôn ý thức được rằng, cái giúp họ hái ra tiền “không phải là máy móc mà là bộ não của kỹ sư”. Bí quyết của Wipro hay Infosys, hai đầu tàu về công nghệ thông tin của Ấn Độ, chung quy lại không chỉ ở việc tìm được người tài mà còn là nuôi dưỡng người tài.
Lương hậu hĩnh là một giải pháp. Chỉ riêng trong năm ngoái, Wipro đã thuê 15.000 kỹ sư với lương khởi điểm khoảng 800 USD/ tháng. Còn tại Infosys, tiền lương hàng năm của các kỹ sư phần mềm hạng nhất khởi điểm ở mức 4.500 USD. Mức lương này sẽ tăng đều 15%/năm và nếu đạt thành tích vượt trội, con số có thể lên đến hàng chục ngàn USD/tháng.
Và không dừng lại đó. Trong bối cảnh mà trình độ nhân lực là hạn chế duy nhất đối với sự trưởng thành của bất kỳ công ty nào, không riêng gì ở Infosys và Wipro, việc đào tạo trở thành điều then chốt trong chiến lược phát triển của hai “người khổng lồ” công nghệ thông tin này. Trường huấn luyện của Infosys, nêu cao khẩu hiệu: Công ty chính là sân trường, môi trường kinh doanh của công ty chính là giáo án, thành viên hội đồng quản trị chính là giảng viên. Bà Radhika Mahadevan khẳng định: Wipro có trong tay gần 400 “thủ lĩnh công nghệ thông tin” chuyên đào tạo nhân lực. Trung tâm đào tạo của Wipro có năng lực đào tạo cho 6.000 người trong một ngày. Chính sách này của Infosys và Wipro được bà Sangeeta Gupta, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ Ấn Độ (NASSCOM), chia sẻ: Mấu chốt là đào tạo, đào tạo liên tục để tìm kiếm và phát huy tài năng.
Chiến lược, theo bà Sangeeta Gupta, là “chiếc đũa thần” để Bangalore trở thành một trung tâm công nghệ thông tin của thế giới. Thành phố lớn nhất nhì của Ấn Độ chính là đại bản doanh của hơn 1.500 hãng công nghệ, trong đó các “ông trùm” như Microsoft, Intel, IBM, Google, Yahoo, Adobe, General Electric và đóng góp khoảng 25% trong doanh thu xuất khẩu phần mềm của nước này. Sở hữu gần 50.000 kỹ sư, “Đế quốc phần mềm” Infosys hiện trở thành đối tác của hơn 2.000 doanh nghiệp trên toàn cầu và có đại diện tại 21 quốc gia với lãi ròng năm 2007 đạt hơn 3 tỉ USD. Wipro có tới 84.000 nhân viên tại 53 quốc gia và 46 trung tâm phát triển công nghệ và kỹ thuật trên toàn cầu với doanh thu năm tài khóa 2007-2008 dự báo là hơn 4 tỷ USD.
Diễm Hạnh