📞

Đằng sau xu hướng cận thị

08:00 | 31/07/2016
Trong vòng một thế kỷ qua, tật cận thị đã gia tăng đến mức trở thành một “bệnh dịch” toàn cầu. Tại khu vực Đông Nam Á, gần 90% học sinh bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.  Ở các nước phương Tây, tình hình chưa đến nỗi nghiêm trọng như tại Đông Nam Á, nhưng cũng đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ.

Các nghiên cứu cho thấy rằng, gần một nửa số người châu Âu trong độ tuổi từ 25 đến 29 tuổi đang mắc cận thị. Trong khi đó, tỷ lệ người sinh vào những năm 60 bị cận thị cao gấp đôi so với những người sinh vào những năm 20 của thế kỷ trước.

Vậy điều gì đã gây nên tật cận thị? Tại sao nó lại trở nên ngày càng phổ biến trên thế giới? Và chúng ta có thể làm gì để giảm thiểu số người mắc cận thị trên thế giới bởi tỷ lệ người bị cận thị càng cao thì tỷ lệ người mù trong tương lai cũng sẽ tăng theo?

Tăng hoạt động ngoài trời

Mặc dù gene di truyền có thể giúp chúng ta dự đoán nguy cơ mắc cận thị, nhưng chỉ yếu tố này không thể giải thích sự gia tăng đột biến của tình trạng cận thị hiện nay. Ngoài yếu tố gene, một số nhân tố khác có thể gây ra cận thị như chương trình học quá nặng, làm việc kéo dài, sinh sống ở thành thị và dành quá ít thời gian cho hoạt động ngoài trời.

Trước đây, các nhà khoa học xem việc đọc sách báo, xem ti vi ở cự ly quá gần là nguyên nhân chính gây ra tình trạng cận thị. Tuy vậy, trong những nghiên cứu gần đây, người ta lại thấy rằng việc đọc sách báo ở cự ly gần xem ra không phải là một nhân tố chính gây ra tật cận thị, bởi vì nó không đóng vai trò chính dẫn đến sự khởi đầu và tiến triển của căn bệnh này. Việc dành thời gian ở ngoài trời dường như là nhân tố quan trọng hơn, nhưng chúng ta vẫn chưa nắm rõ tại sao ở ngoài trời lại giúp chúng ta phòng trừ cũng như giảm thiểu tật cận thị.

Liệu điều này có liên quan đến sự can thiệp của ánh sáng mặt trời, hoặc sự tổng hợp vitamin D trên da? Chúng ta vẫn chưa biết được. Thời gian chúng ta dành cho học tập có vẻ như là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến cận thị; thật ra, những người học đại học có nguy cơ mắc cận thị cao gấp đôi so với những người chỉ học hết phổ thông.

Thích nghi với lối sống hiện đại

Chắc chắn có điều gì đó trong phong cách sống hiện đại của chúng ta gây ra “bệnh dịch” này. Loài người đã trải qua vô số sự thích nghi có lợi để đảm bảo chúng ta có thể tồn tại trong mỗi thời kỳ khác nhau. Liệu mắt và não của chúng ta cũng tiến hóa để thích nghi với lối sống đô thị hóa, máy vi tính, học tập cường độ cao và việc dành ít thời gian bên ngoài hay không? Câu trả lời là: Không hẳn! Sự thích nghi tiến hóa diễn ra trong một khoảng thời gian dài hơn, nhưng nhiều người sẽ tự hỏi rằng lối sống hiện đại ảnh hưởng gì đến mắt của chúng ta.

“Một nửa dân số thế giới (gần 5 tỷ người) sẽ bị cận thị trong ba thập kỷ tới, 1/5 trong số đó (1 tỷ người) có nhiều nguy cơ bị mù. 96% thanh thiếu niên ở Hàn Quốc bị cận thị. Còn Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản có tỷ lệ thanh thiếu niên cận thị khoảng 80%-90%. Dự đoán sẽ có 4,76 tỷ người bị cận thị vào năm 2050 (chiếm 49% dân số thế giới) và 938 triệu người bị cận thị nặng”, theo Tạp chí Ophthalmology

Có lẽ, chúng ta không nên đổ lỗi cho các phát minh công nghệ như là nguyên nhân của sự gia tăng tỷ lệ cận thị vào thế kỷ XX bởi tình trạng cận thị tràn lan tại châu Á rõ ràng đã bắt đầu xuất hiện vào những năm 1980. Trình độ giáo dục của con người đã tăng lên rất nhiều trong thế kỷ vừa qua, nhưng “trình độ giáo dục cao nhất mà chúng ta đạt đến” không thể hoàn toàn giải thích cho xu hướng cận thị của thế giới. Vì thế, có lẽ nguyên nhân của tật cận thị là sự kết hợp các yếu tố như thói quen đọc sách báo quá gần và quá ít thời gian dành cho hoạt động ở ngoài trời.

Không nghi ngờ gì khi lối sống hiện đại đã làm gia tăng tỷ lệ mắc cận thị của con người. Tỷ lệ mắc cận thị thấp hơn nhiều khi con người sống trong môi trường nông thôn và trước khi giáo dục đại trà được thúc đẩy vào nửa sau thế kỷ XX. Chúng ta rất cần phải hiểu được cách mà môi trường (cùng với yếu tố di truyền) làm gia tăng nguy cơ phát triển tật cận thị. Chúng ta đang cố gắng trả lời những câu hỏi này với hy vọng giảm bớt gánh nặng mà tật cận thị sẽ mang lại trong tương lai.

(theo The Conversation)