Nhỏ Bình thường Lớn

Hàn Quốc đem quân đến quần đảo tranh chấp, Nhật Bản đơn phương hủy bỏ cuộc gặp Moon-Suga

Trong tuần này, Hàn Quốc có kế hoạch đưa quân đến quần đảo Dokdo mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima để tổ chức cuộc tập trận thường niên nhằm tăng cường khả năng phòng vệ của đất nước.
Quần đảo tranh chấp Dokdo ở vùng biển phía Đông Hàn Quốc, mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima.
Quần đảo tranh chấp Dokdo ở vùng biển phía Đông Hàn Quốc, mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima. (Nguồn: Yonhap)

Các nguồn tin ngày 14/6 cho biết, cuộc tập trận dự kiến diễn ra vào ngày 15/6 với sự tham gia của hải quân và cảnh sát biển. Một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói: "Đây là một cuộc tập trận thường xuyên nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của Hàn Quốc".

Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận ở Dokdo/Takeshima vào năm 1986. Kể từ năm 2003, nước này thường tiến hành tập trận 2 lần một năm, thường vào tháng 6 và tháng 1.

Hồi năm ngoái, quân đội Hàn Quốc tổ chức các cuộc tập trận, song dân chúng biết đến muộn do chính quyền không tiết lộ sớm trong một động thái rõ ràng nhằm tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng với Nhật Bản.

Phản ứng trước động thái trên, Nhật Bản đã đơn phương đình chỉ các cuộc đàm phán giữa Thủ tướng nước này Suga Yoshihide và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc họp Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Cornwall, Anh.

Ngày 14/6, một quan chức ngoại giao Hàn Quốc giấu tên cho biết: "Ngay từ đầu, chúng tôi đã thể hiện tinh thần thiện chí và mong đợi phía Nhật Bản đáp lại. Tuy nhiên, chúng tôi lấy làm tiếc là phía Nhật Bản đã không tiến hành cuộc đàm phán mà hai bên thống nhất ở cấp độ chuyên viên, do các cuộc tập trận hàng năm để bảo vệ lãnh thổ ở vùng biển phía Đông".

Trong khi đó, theo hãng tin Kyodo, ông Suga nói rằng, cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Moon sẽ không được tiến hành cho đến khi vấn đề tranh chấp chủ quyền được giải quyết.

Trước đó, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thống nhất tổ chức một cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị G7 ở Cornwall nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại như cưỡng bức lao động và nô lệ tình dục trong thời gian chiến tranh.

Quan hệ song phương giữa Seoul và Tokyo xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây khi các vấn đề lịch sử và ngoại giao đã lan sang lĩnh vực kinh tế và quân sự.

TIN LIÊN QUAN
Cập nhật Covid-19 ngày 14/6: Nga, Indonesia chung cảnh số ca mắc mới cao nhất 4 tháng qua, Ấn Độ giảm sâu; tin vui về thuốc điều trị
Nhóm G7 phát lời kêu gọi 3 điểm gửi tới Tổng thống Belarus Lukashenko
Vấn đề Ukraine: G7 tuyên bố 'Nga là một bên trong xung đột', Tổng thống Ukraine rối rít cảm ơn
G7 đoàn kết 'hạ' thách thức từ Bắc Kinh, Trung Quốc nói 'những ngày này đã qua đi một cách tuyệt vọng'
Chẳng 'vướng lòng' vì bị coi là mối đe dọa cấp bách, Nga nhìn thấy 'khía cạnh thú vị' ở G7

(theo Yonhap, Kyodo)