Ông Mamady Doumbouya, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Guinea tiến hành đảo chính hôm 5/9. (Nguồn: France 24) |
Trung tá Doumbouya nói: "Một cuộc tham vấn sẽ được thực hiện để đưa ra các thông số chung của tiến trình chuyển tiếp này và sau đó một chính phủ liên hiệp quốc gia sẽ được thành lập để chỉ đạo tiến trình chuyển đổi".
Tuy nhiên, ông không nêu rõ tiến trình tham vấn hoặc bàn giao sẽ kéo dài bao lâu, đồng thời khẳng định sẽ không tiến hành "cuộc săn phù thủy" đối với chính phủ trước đây.
Trong khi đó, cùng ngày, xã hội dân sự Guinea ra thông cáo báo chí khuyến nghị "nhanh chóng thiết lập một khuôn khổ đối thoại quốc gia bao trùm và có sự tham giam đông đủ của các bên vì một sự quản lý ổn định và hòa bình trong quá trình chuyển tiếp như một lực lượng để theo dõi, cảnh báo và đề xuất".
Trong thông cáo, xã hội dân sự Guinea đã kêu gọi các nhà chức trách mới của đất nước đáp ứng tất cả các điều kiện của thực tế và luật pháp để thúc đẩy việc nhanh chóng trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ liên quan đến các sự kiện chính trị trong quá khứ và gần đây.
Liên quan phản ứng quốc tế về vụ binh biến Guinea, ngày 6/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố, nước này phản đối các âm mưu đảo chính nhằm giành quyền lực tại Guinea, đồng thời kêu gọi quốc gia châu Phi lập tức trả tự do cho Tổng thống Alpha Conde.
Ông Uông kêu gọi các bên liên quan "bình tĩnh và kiềm chế, luôn nghĩ tới lợi ích cơ bản của đất nước và người dân, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn, cũng như bảo vệ hòa bình và ổn định tại Guinea".
Tương tự, quan chức Bộ Ngoại giao Anh phụ trách châu Phi James Duddridge tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi lập tức trả tự do cho Tổng thống, đồng thời thúc giục tất cả các bên tham gia đối thoại hòa bình nhằm xoa dịu căng thẳng, ngăn chặn bạo lực tiếp diễn cũng như giữ vững các nguyên tắc dân chủ, bao gồm pháp quyền.
Chúng tôi, cùng với cộng đồng quốc tế, tiếp tục giám sát chặt chẽ các sự kiện".