Binh sĩ canh giữ các xe chở lương thực từ Burkina Faso tới Niger. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 21/8, Giám đốc hải quan địa phương, Đại tá Adamou Zaroumeye thông tin, một đoàn khoảng 300 xe tải tiếp tế của Burkina Faso đã đến thủ đô Niamey của Niger, hàng hóa được mang tới bao gồm ngô, muối và đồ gia dụng.
Ông Seydou Mie Zanaidou, một tài xế trong đoàn xe, cho biết đã đi từ thành phố Kaya của Burkina Faso đến thị trấn Dori ở miền Đông nước này, trước khi băng qua biên giới Niger để đến thủ đô Niamey.
Trước đó, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã áp đặt trừng phạt với Niger sau vụ đảo chính, lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum hồi tháng 7. Benin và Nigeria đóng cửa biên giới, làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa của Niger, song Burkina Faso đã thể hiện sự ủng hộ với chính quyền quân sự ở Niamey.
Tuần trước, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo, các biện pháp trừng phạt và đóng cửa biên giới liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị này đang “ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp thực phẩm và vật tư y tế quan trọng cho Niger”.
Về phần mình, trong cuộc phỏng vấn được Al Jazeera (Qatar) phát sóng cùng ngày, Ủy viên chính trị và an ninh của ECOWAS Abdel-Fatau Musah nhấn mạnh: “Tiến trình chuyển tiếp kéo dài 3 năm (ở Niger) là không thể chấp nhận được. Chúng tôi mong muốn trật tự hiến pháp được khôi phục một cách sớm nhất có thể”.
Trước đó, ngày 19/8, người đứng đầu chính quyền quân sự Niger, Tướng Abdourahamane Tchiani - cam kết giai đoạn chuyển tiếp ở quốc gia Tây Phi sẽ không kéo dài quá 3 năm.
Trong bài phát biểu, Tướng Tiani cũng tuyên bố khởi động tiến trình “đối thoại quốc gia” kéo dài 30 ngày để đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm đặt “nền tảng cho đời sống hiến pháp mới”. Đồng thời, chỉ hủy quân sự này cũng khẳng định, các nỗ lực can thiệp vũ trang của ECOWAS sẽ vấp phải sức kháng cự quyết liệt.
Ở diễn biến khác, phát biểu ngày 21/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Recep Erdogan nhấn mạnh: “Chúng tôi đang làm mọi thứ để tìm ra giải pháp cho Niger. Tôi hy vọng rằng Niger, một quốc gia bạn bè, sẽ sớm trở lại trật tự hiến pháp và quản trị dân chủ.
Tôi không đồng tình với quyết định can thiệp quân sự. Hành động này có thể dẫn tới tình trạng mất ổn định ở nhiều quốc gia châu Phi. Tôi hy vọng hòa bình và ổn định sẽ được khôi phục ở Niger sớm nhất có thể và người dân nơi đây sẽ bảo vệ được dân chủ và tổ chức được bầu cử”.
Theo ông, Ankara có thể đóng vai trò quan trọng trong giải quyết bế tắc chính trị ở Niger và hiện Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng dàn xếp tổ chức đàm phán.