Tổng thống Niger Mohamed Bazoum đã bị phế truất vài giờ sau khi bị giam giữ trong dinh tổng thống. (Nguồn: Bloomberg) |
Trong một buổi họp báo tại Wellington (New Zealand) hôm 27/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: "Tôi không thể nói điều này (việc ông Bazoum bị phế truất và bị giam giữ) có cấu thành một cuộc đảo chính hay không. Điều đó dành cho các luật sư, tuy nhiên rõ ràng nó cấu thành một nỗ lực giành chính quyền bằng vũ lực và phá vỡ hiến pháp”.
Đồng thời, ông Blinken kêu gọi trả tự do cho Tổng thống Bazoum ngay lập tức.
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với người đứng đầu Niger, Ngoại trưởng Mỹ đã nêu rõ, sự hợp tác hơn nữa giữa Washington và Niger sẽ phụ thuộc vào việc quản trị dân chủ hơn nữa ở quốc gia Tây Phi này.
Tuyên bố trên do cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra sau khi quân đội ở Niger thông báo trên truyền hình quốc gia rằng ông Bazoum đã bị “tước bỏ quyền lực” và biên giới nước này đã bị đóng cửa.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Washington đối với Tổng thống Mohamed Bazoum và nền dân chủ của Niger, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh: “Mỹ sát cánh cùng người dân Niger và các đối tác khu vực và quốc tế trong việc lên án nỗ lực giành chính quyền bằng vũ lực và lật đổ trật tự hiến pháp này”.
Theo quan chức này, mối quan hệ đối tác kinh tế và an ninh mạnh mẽ của Mỹ với Niger “phụ thuộc vào việc tiếp tục quản trị dân chủ và tôn trọng pháp quyền và nhân quyền".
Cũng trong ngày 27/7, Pháp đã chỉ trích “mọi nỗ lực giành chính quyền bằng vũ lực” ở Niger.
Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter (hiện đã đổi tên thành X), Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna tuyên bố: “Paris lên án mạnh mẽ mọi nỗ lực giành chính quyền bằng vũ lực và ủng hộ các lời kêu gọi của Liên minh châu Phi và Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) nhằm khôi phục tính toàn vẹn của các thể chế dân chủ ở Niger”.
Trong khi đó, theo sát các sự kiện ở Niger với “mối quan tâm lớn”, Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh rằng, bạo lực “không phải là phương tiện để thực thi các lợi ích chính trị hoặc cá nhân”, đồng thời kêu gọi trả tự do cho ông Bazoum.
Trước đó, ngày 26/7, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ cho biết, ông Antonio Guterres coi đây là “sự thay đổi chính phủ theo cách vi hiến” ở Niger.
Theo đó, ông Guterres “vô cùng quan ngại” trước việc các thành viên của Lực lượng bảo vệ Tổng thống Niger đã bắt giữ nhà lãnh đạo này.
Ông Dujarric cho biết thêm: “Tổng thư ký kêu gọi chấm dứt ngay lập tức mọi hành động phá hoại các nguyên tắc dân chủ ở Niger”.