Vụ đảo chính ở Niger nổ ra từ ngày 26/7 khiến nước này rơi vào cuộc khủng hoảng mới. (Nguồn: AFP) |
Động thái trên diễn ra sau khi chính quyền quân sự Niger thông báo chính phủ bị lật đổ đã ủy quyền cho Pháp thực hiện các vụ tấn công nhằm vào Phủ tổng thống để “giải cứu” Tổng thống Mohamed Bazoum.
Phát biểu trên truyền hình nước này, người phát ngôn của chính quyền quân sự Niger, Đại tá Amadou Abdramane cho biết, việc ủy quyền đã được ký bởi Ngoại trưởng Niger Hassoumi Massoudou.
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum đã bị quản thúc bên trong Phủ tổng thống sau khi quân đội Niger tiến hành đảo chính hôm 26/7 vừa qua. Theo đó, chính quyền quân sự Niger đã cảnh báo, các nỗ lực đưa ông Bazoum ra ngoài sẽ dân đến xung đột và hỗn loạn.
Cùng ngày, trong cuộc họp khẩn cấp của các quốc gia Tây Phi tại Nigeria, khối khu vực Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã được triệu tập để phản ứng với cuộc đảo chính vào tuần trước ở Niger.
Kêu gọi các nhà lãnh đạo đảo chính ở Niger phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum, ECOWAS khẳng định: “Nếu các yêu cầu không được đáp ứng trong vòng một tuần, ECOWAS sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự hiến pháp tại Cộng hòa Niger. Các biện pháp như vậy có thể bao gồm cả việc sử dụng vũ lực”.
Trong khi đó, ECOWAS vẫn áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt, bao gồm đình chỉ tất cả các giao dịch thương mại và tài chính giữa các quốc gia thành viên của khối này với Niger và đóng băng tài sản tại các ngân hàng trung ương khu vực.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể có tác động sâu sắc đến người Niger, những người sống ở quốc gia nghèo thứ ba trên thế giới.
Bên cạnh đó, Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế cho biết, Niger phụ thuộc vào 90% nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nigeria. Vì vậy, Thủ tướng Niger Ouhoumoudou Mahamadou nhận định rằng, biện pháp trừng phạt có thể là thảm họa và Niamey cần tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Ông Mahamadou nêu rõ: “Khi mọi người nói rằng có một lệnh cấm vận, biên giới đất liền và biên giới trên không bị đóng cửa, điều đó vô cùng khó khăn đối với mọi người... Niger là một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng quốc tế”.
Khối ECOWAS gồm 15 thành viên đã không thành công khi cố gắng khôi phục nền dân chủ ở các quốc gia nơi quân đội nắm quyền trong những năm gần đây. Bốn quốc gia - do chính phủ quân sự ở Tây và Trung Phi điều hành - đã từng diễn ra 9 cuộc đảo chính thành công hoặc các nỗ lực lật đổ kể từ năm 2020.
Theo các nhà phân tích Niger, khả năng ECOWAS sử dụng vũ lực sẽ gây ra xung đột không chỉ giữa các lực lượng Niger và ECOWAS, mà còn giữa người dân ủng hộ cuộc đảo chính cũng như những người chống lại hành động này.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, các đại diện của chính phủ Italy, bao gồm Thủ tướng Giorgia Meloni, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Antonio Tajani, Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto và những người đứng đầu các cơ quan tình báo nước này đã trao đổi về tình hình ở Niger, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ tìm kiếm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.
Văn phòng Thủ tướng Italy khẳng định: “Italy hy vọng đạt được một giải pháp đàm phán cho cuộc khủng hoảng và thành lập một chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận”.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Tajani thông báo đang làm việc với ông Josep Borrell - người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) và Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna về một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Niger.