Người dân Mỹ diễu hành tưởng niệm cái chết của 1,5 triệu người Armenia do Đế chế Ottoman sát hại giai đoạn 1915-1923 hồi tháng Tư ở Los Angeles. (Nguồn: AP) |
Nghị quyết về Armenia của Hạ viện Mỹ tuyên bố rằng: "Mỹ có một lịch sử đáng tự hào khi công nhận và lên án tội ác diệt chủng Armenia, giết chết 1,5 triệu người Armenia của Đế chế Ottoman từ năm 1915 đến 1923".
Ngay lập tức, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã viết trên mạng xã hội Twitter chỉ trích nghị quyết này và nói rằng, quyết định này không có hiệu lực. Ông Cavusoglu cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn một "mưu đồ lớn" bằng chiến dịch tấn công vào khu vực Đông Bắc Syria và động thái của Hạ viện Mỹ là nhằm mục đích trả thù chiến dịch này.
Trong khi đó, Anadolu dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ trong buổi triệu tập Đại sứ Mỹ để phản đối cho biết, nước này chấp nhận rằng, nhiều người Armenia sống dưới Đế chế Ottoman đã bị sát hại trong các vụ đụng độ với các lực lượng Ottoman trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, song phủ nhận cáo buộc những vụ sát hại này được dàn xếp một cách hệ thống và cấu thành tội diệt chủng.
Cũng trong ngày 29/10, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật áp đặt trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan chiến dịch quân sự tấn công lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria với 403 phiếu thuận và 16 phiếu chống.
Nội dung của dự luật bao gồm cấm bán vũ khí của Mỹ cho Ankara phục vụ chiến dịch tại Syria; xác định vai trò của các quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch này và đưa ra các biện pháp hạn chế đối với các nhân vật này; trừng phạt các đối tượng nước ngoài cung cấp vũ khí cho các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Dự luật cũng yêu cầu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đã được gỡ bỏ sau khi hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn mở ra việc lực lượng người Kurd rút khỏi khu vực biên giới mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu thiết lập vùng an toàn.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã mạnh mẽ lên án động thái này của Hạ viện Mỹ, cho rằng quyết định này không phù hợp với thỏa thuận ngừng bắn giữa Ankara và Washington đạt được hôm 17/10. Bộ này kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump có các biện pháp tránh làm tổn hại thêm quan hệ song phương giữa hai nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương.
Trước đó, ngày 14/10, Mỹ tăng thuế nhập khẩu thép của Thổ Nhĩ Kỳ lên 50%, đồng thời ngừng đàm phán thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD. Washington cũng đưa một loạt quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách trừng phạt, đóng băng tài sản ở Mỹ và cấm mọi giao dịch với họ. Các biện pháp trừng phạt này liên quan đến việc Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Đến ngày 23/10, Tổng thống Trump đã quyết định gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt này sau khi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo với Mỹ một thỏa thuận ngừng bắn "vĩnh viễn" tại Syria. Tuy nhiên, các nghị sĩ Mỹ vẫn lo ngại về việc Washington rút quân khỏi khu vực này và Ankara tiếp tục đẩy chiến dịch quân sự tại đây.