📞

Đào tạo nghề phải thực sự có tính cách mạng

18:20 | 13/01/2017
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ LĐTB&XH, sáng 13/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tỉ lệ đào tạo cao đẳng ít hơn so với đại học mà thất nghiệp lại cao hơn. Sắp tới sẽ có một hội nghị toàn quốc bàn về đào tạo nghề và chắc chắn đổi mới trong lĩnh vực này phải thực sự có tính cách mạng, triệt để. 

Nhắc lại tinh thần phát triển cuối cùng để lo cho người dân, Phó Thủ tướng cho rằng nhận thức về vai trò của công tác lao động, xã hội phải biến thành hành động nhiều hơn nữa, và người dân đo được bằng những kết quả rất cụ thể.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ lĐTB&XH phải nắm sát, cụ thể số liệu về các lĩnh vực đang quản lý như lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội.

Bộ phải nắm sát vấn đề, thực trạng

“Các lĩnh vực công tác mà Bộ LĐTB&XH được giao quản lý rất rộng. Nhiều vấn đề chúng ta chỉ là cơ quan tổng hợp còn việc thực hiện phụ thuộc vào rất nhiều bộ, ngành, thậm chí cả hệ thống chính trị. Nhưng những gì trực tiếp thuộc Bộ thì cần phải tập trung làm, nắm sát vấn đề, thực trạng”, Phó Thủ tướng trao đổi thẳng vào một số việc thuộc trách nhiệm của Bộ liên quan đến lao động, việc làm.

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề tạo việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều thứ từ cải thiện môi trường kinh doanh đến phát triển DN, phát triển sản xuất... nhưng với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, Bộ LĐTB&XH phải nắm cụ thể, chính xác và chủ động được những số liệu về nhu cầu việc làm, số việc làm mới tạo ra… thay vì lấy qua nguồn của Tổng cục Thống kê.

Tương tự, những số liệu về kết quả hoạt động giới thiệu việc làm hay phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp hiện mới chỉ được thống kê từ nguồn BHXH Việt Nam mà gần như bỏ qua những DN, đơn vị bên ngoài.

“Năm vừa rồi các sàn giao dịch, trung tâm giới thiệu việc làm của ngành đã tổ chức khoảng 1.100 phiên giao dịch việc làm, giới thiệu được khoảng 220-230 lao động/phiên còn các DN bên ngoài thì sao? Hay trong lĩnh vực bảo hiểm, có 82% người dân tham gia BHYT còn các DN bảo hiểm bên ngoài đang quản lý trên 16 triệu hợp đồng bảo hiểm thương mạ. Chúng ta không thể thống kê trong số đó bao nhiêu người đã mua BHYT từ BHXH Việt Nam. Tương tự chúng ta mới chỉ nắm được số liệu chính thức từ BHXH Việt Nam là có 24,1% người lao động được đóng BHXH, mà không có số liệu từ các DN bảo hiểm bên ngoài”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và cho rằng “việc này tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại là thách đố rất lớn”.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ nếu nắm được hoạt động của các DN giới thiệu việc làm thì sẽ có giải pháp để đẩy mạnh các trung tâm, sàn giao dịch việc làm thuộc ngành LĐTB&XH theo hướng xã hội hóa, đồng thời gắn kết chặt hơn với các DN giới thiệu việc làm ở bên ngoài vốn hoạt động rất hiệu quả trên cơ sở ứng dụng những công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin.

“Quốc hội đặt ra mục tiêu đến năm 2020 ít nhất 50% số người trong độ tuổi lao động được đóng BHXH nhưng hiện chúng ta mới đạt 24,1%. Đây là khoảng cách rất lớn và ngành LĐTB&XH phải có trách nhiệm xem xét, tiếp cận hệ thống bảo hiểm của chúng ta theo đúng quốc tế gồm phần từ ngân sách nhà nước và cả bảo hiểm thương mại.

Hiện nay trong số những người đã có hợp đồng lao động theo quy định của luật thì chủ DN phải đóng bảo hiểm. Chúng ta còn 2 triệu người chưa đóng, trách nhiệm thuộc về ai, tuân thủ pháp luật thế nào. Tôi đề nghị việc này Bộ phải rà soát, có những thứ đã chỉ đạo rồi thì địa phương phải vào cuộc. Vừa rồi BHYT làm được vì Thủ tướng ký quyết định giao chỉ tiêu cho từng tỉnh, tới đây BHXH cũng phải làm như vậy”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đổi mới triệt để trong đào tạo nghề

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc quản lý đào tạo nghề tập trung về Bộ LĐTB&XH được kỳ vọng tạo chuyển biến rất tích cực đối với công tác này nhưng đi cùng với đó là trách nhiệm không nhỏ.

Hiện có 53% trong số 54 triệu lao động Việt Nam đã qua đào tạo nhưng chỉ 21% có bằng từ sơ cấp trở lên. Trong đó, trình độ từ đại học trở lên là 9%, cao đẳng 3%, trung cấp 5%, sơ cấp 3% nhưng tỉ lệ thất nghiệp thì cao nhất là cao đẳng 6,8%; đại học 6,3%, trung cấp 3,3%.

“Tỉ lệ đào tạo cao đẳng ít hơn so với đại học mà thất nghiệp lại cao hơn. Bây giờ trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Bộ LĐTB&XH. Sắp tới chúng ta sẽ có một hội nghị toàn quốc bàn về đào tạo nghề và chắc chắn đổi mới trong lĩnh vực này phải thực sự có tính cách mạng, triệt để. Nếu chúng ta chỉ đổi mới từng chút một thì tình hình sẽ không chuyển” Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ LĐTB&XH tiếp tục chấn chỉnh tình trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài không tuân thủ hợp đồng và quy định, pháp luật của nước sở tại. Đây không chỉ là hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam mà dẫn đến phát triển thị trường lao động ở ngoài nước không bền vững.

Giải quyết rốt ráo các vấn đề tồn đọng của người có công

Đặc biệt nhấn mạnh năm 2017 cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTB&XH tập trung làm tốt một số việc.

Cụ thể, trong năm 2017, các địa phương đẩy nhanh việc triển khai đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với tinh thần cố gắng hoàn thành sớm nhất có thể thay vì kéo dài 5 năm như kế hoạch.

Từ kết quả thí điểm trong giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với các trường hợp đề nghị công nhận là thương binh, liệt sĩ tại một số tỉnh, ngành LĐTB&XH cần triển khai đồng bộ trên cả nước.

“Có những cụ sinh từ thế kỷ 19, qua đời đã lâu nhưng chưa được công nhận là thương binh, liệt sĩ. Đây không còn là vấn đề chế độ về mặt kinh tế, hay danh dự của bản thân người đó mà thậm chí của cả dòng họ, có nơi của cả làng, cả xóm. Đây là vấn đề còn rất nhức nhối. Chúng ta phải cố gắng giải quyết dứt điểm.

Cùng với đó là các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, sửa sang nghĩa trang liệt sĩ, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ... Đề nghị các đồng chí tập trung làm với tinh thần năm nay là kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ”, Phó Thủ tướng nói.

Đẩy mạnh thuê dịch vụ trong chi trả trợ cấp xã hội

Đánh giá cao hiệu quả trong việc thuê dịch bưu điện, ngân hàng chi trả chế độ, trợ cấp cho người có công, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội… mà Bộ LĐTB&XH triển khai tại một số tỉnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đây là việc cần làm, là xu thế không thể đi ngược. Bộ phải mở rộng ra toàn quốc. Không nên tiếp tục để bộ máy hành chính đi làm những việc hoàn toàn có thể thuê dịch vụ.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng nhắc lại chuyện không ít người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội thường chậm nhận được tiền trợ cấp, có khi còn không đúng chế độ trong khi thuê dịch vụ thì “chính xác, kịp thời hơn, người ta có trách nhiệm hơn vì liên quan đến trách nhiệm bồi thường”.

Bên cạnh đó, ngành LĐTB&XH cũng cần bàn kỹ phương án để có những đầu việc khác giao cho bộ phận trong ngành vốn thực hiện việc trả chế độ từ lâu nay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH.

Vai trò quan trọng của địa phương, các hội đoàn thể

Liên quan đến các lĩnh vực công tác xã hội khác của Bộ LĐTB&XH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò của các địa phương cũng như hội đoàn thể xã hội đối với công tác giảm nghèo; bảo vệ chăm sóc trẻ em; hỗ trợ các đối tượng bảo trợ, yếu thế trong xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; bình đẳng giới…

Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương phải nghiêm túc sử dụng đúng mục đích các nguồn vốn, kinh phí dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Trong công tác phòng, chống tệ nạm ma túy, mại dâm, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện đúng những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy vừa qua (ngày 23/12/2016).

“Kinh nghiệm trong phòng, chống ma túy cho thấy nơi nào địa phương quan tâm thì tình hình tốt, nơi nào chưa quan tâm thì đến lúc xảy ra vấn đề thì xã hội rất bức xúc. Đây là trách nhiệm của tập thể cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, trực tiếp nhất là người đứng đầu”, Phó Thủ tướng nói.

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành LĐTB&XH trong hoàn thiện hành lang pháp lý, thực thi các quy định bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ LĐTB&XH cần chủ động kết nối, tham gia xây dựng, triển khai các chương trình, hoạt động nhằm cải thiện dinh dưỡng, tầm vóc cho trẻ em Việt Nam.

Cuối phần phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ LĐTB&XH phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các hội, các tổ chức xã hội và các DN. Đồng thời đổi mới mô hình hoạt động của các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở cai nghiện ma túy theo hướng tự chủ với sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng giao quyền, trách nhiệm để những đơn vị này huy động thêm các nguồn lực bên ngoài.

Cùng với đó, Bộ LĐTB&XH nhất định phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT qua phương thức thuê dịch vụ nhất là đối với các hoạt động mang tính chi trả, xuyên suốt toàn hệ thống.

“Ví dụ khi các đồng chí thuê dịch vụ chi trả đối tượng bảo trợ xã hội thì DN thực hiện phải tự xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng CNTT thay vì Bộ tự làm dự án riêng. Việc này Bộ phải quyết liệt”, Phó Thủ tướng nói.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sắp đến, Phó Thủ tướng yêu cầu toàn Ngành LĐTB&XH và các địa phương cần tập trung làm tốt công tác chăm lo Tết cho các đối tượng người có công, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ, hộ nghèo trên địa bàn.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH; trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân; Huân chương Lao động hạng Nhì cho nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Huỳnh Văn Tý.