📞

Đảo Thổ Chu - Thiên đường nơi đầu sóng

Xuân Sơn 13:26 | 16/01/2024
Bãi cát trắng, làn nước trong cùng hàng dừa ngả bóng khắc họa nên vẻ đẹp nguyên sơ nhưng đầy cuốn hút của đảo Thổ Chu, nơi được mệnh danh là mảnh đất thiên đường ở Tây Nam Tổ Quốc.
Đảo Thổ Chu không chỉ có khung cảnh phong phú với những bãi biển hoang sơ, hùng vĩ giữa cánh rừng sâu, mà còn là nơi mang đậm dấu ấn lịch sử. (Nguồn: Thám hiểm Mekong)

Quần đảo Thổ Chu bao gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ, nằm ở cực Tây Nam của Tổ quốc thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Cách TP. Rạch Giá khoảng 200km, đảo Thổ Chu không chỉ có khung cảnh phong phú với những bãi biển hoang sơ, hùng vĩ giữa cánh rừng sâu, mà còn là nơi mang đậm dấu ấn lịch sử.

Thực hiện chuyến du ngoạn quanh đảo Thổ Chu luôn là lựa chọn hấp dẫn của du khách vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhờ bầu khí hậu mát mẻ, biển êm và cơ hội ngắm nhìn đàn hải âu lượn mình nhẹ nhàng trong chiều tà hoàng hôn mơ mộng.

Đến với đảo Thổ Chu, du khách không thể bỏ qua dịp đắm mình trong làn nước xanh mát của bốn bãi biển Dong, Ngự, Nhất và Mun, trong đó, bãi Dong và bãi Ngự là hai trong số bốn bãi biển lớn nhất trên đảo, phù hợp cho du khách tập trung tắm và lặn biển.

Các bãi biển tại đảo vẫn giữ được vẹn nguyên nét hoang sơ, phủ bóng thiên nhiên với hàng dài cây bàng, cây dừa, cây phong ba mọc thẳng tắp dọc theo bãi biển, ấy vậy mà du khách tới đây, ai cũng quyến luyến khó xa vì nhớ cảm giác hòa vào không gian thư giãn, trong lành, giải tỏa muộn phiền và mệt mỏi.

Hương biển mằn mặn cuốn trong làn gió, tiếng lá cây bay cùng không khí trong lành chắc chắn sẽ đem lại cho chúng ta sự bình yên hiếm thấy, đặc biệt với những ai quen với nếp sống ồn ã đô thị. Đảo Thổ Chu đúng nghĩa là nơi con người tìm về không gian tĩnh lặng từ trong chính mình và từ thiên nhiên xung quanh.

Đảo Thổ Chu hiện có khoảng 2.000 nhân khẩu, tập trung ở bãi Dong và bãi Ngự. Cư dân chủ yếu làm nghề nuôi và khai thác thủy hải sản. Hàng năm, người dân trên đảo phải di chuyển nơi cư trú theo mùa gió và nơi đây được biết đến với biệt danh "đảo chạy gió". (Nguồn: VnExpress)

Bên cạnh đó, vì cư dân trên đảo chủ yếu làm ngư nghiệp nên du khách có thể xin phép phụ họ trong công việc hàng ngày để trải nghiệm chân thực đời sống thường nhật của ngư dân.

Có thể chúng ta từng theo dõi cuộc sống miền biển qua màn ảnh, nhưng ít khi có cơ hội thực tế quý giá như lần này để trải nghiệm, khám phá chiều sâu văn hóa - đời sống của người dân bản địa đảo Thổ Chu.

Không chỉ có biển xanh, cát trắng, nắng vàng, nét đẹp của đảo còn biểu lộ qua rừng cây tươi tốt cùng những vách núi dựng đứng. Do đó, du khách có thể tham gia hoạt động leo núi, đi dạo vòng quanh đảo để ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp của thiên đường miền Tây Nam đất nước.

Nếu chọn đi đường rừng, chúng ta có thể ngắm nhìn nhiều loài cây cao to, cành lá xum xuê, nghe tiếng chim hót líu lo quanh rừng và bắt gặp cây bàng vuông, vốn là loài cây bản địa mọc tại Trường Sa.

Nếu đi đường vòng quanh đảo, du khách sẽ được đứng trên cao phóng tầm mắt nhìn trọn vẹn bãi biển bên dưới trải dài tận chân trời.

Chiến sĩ biên phòng Thổ Châu cùng lá cờ Tổ quốc tung bay trước cột mốc A1 trên đường cơ sở thuộc chủ quyền Việt Nam tại hòn Nhạn. (Nguồn: Báo Kiên Giang)

Ngoài khung cảnh du lịch thơ mộng, đảo Thổ Chu còn nổi tiếng là địa danh lịch sử chứng kiến nhiều bước ngoặt phát triển của dân tộc. Trong quá khứ, nơi đây từng diễn ra trận chiến giải phóng đảo Thổ Chu năm 1975, nhân dân ta đã hoàn thành nguyện vọng thống nhất đất nước và ngăn chặn âm mưu phá hoại chủ quyền của thế lực ngoại xâm.

Từ đó, chính quyền và người dân đã dựng đền thờ Thổ Châu để tôn vinh Bác, các vị anh hùng liệt sĩ hy sinh vì công cuộc giải phóng đảo Thổ Chu và tri ân 500 đồng bào ra đi trong biến cố lịch sử ấy.

Trên đảo có Đền thờ Hoàng đảo Thổ Chu, một bên thờ Miếu Bà Chúa xứ, một bên thờ Lăng Ông Nam Hải do người dân dựng nên để cầu mong che chở và phù hộ mỗi khi ra khơi đánh bắt xa bờ. Các lễ cúng tại đền thường diễn ra vào các ngày 24 và 26/2 âm lịch hàng năm.

Trước kỳ vọng lớn lao về tương lai phát triển toàn diện bên cạnh thế mạnh du lịch, trong thời gian tới, đảo Thổ Chu định hướng tầm nhìn chiến lược, đẩy mạnh mở cửa và hội nhập, nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với những giải pháp thiết thực, hiệu quả, chắc chắn nơi đây sẽ có diện mạo mới với cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ; du lịch, dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao; quốc phòng, an ninh được củng cố, xứng đáng là “phên giậu tiền tiêu”, điểm tựa vững chắc trên hành trình rẽ sóng vươn khơi của ngư dân ở vùng biển, đảo chiến lược Tây Nam của Tổ quốc.