📞

Đáo Xuân về với Tây Thiên Quốc Mẫu

Cát Phương 16:00 | 02/05/2021
Khi Xuân sắp qua và Hạ thì sắp tới, đoàn cán bộ, nhân viên Báo Thế giới & Việt Nam đã có chuyến tham quan thực tế vào cuối tuần. Một chuyến đi có thể gói gọn trong sáu chữ: “đến với Phật, về với Mẫu”.

Tình hình Covid-19 lắng xuống và những chương trình kích cầu của ngành du lịch cận kề những ngày nghỉ lễ làm dậy lên tinh thần muốn dịch chuyển của mọi người. Chúng tôi không nằm ngoài số đó khi đã dành quá nhiều thời gian để “du lịch qua màn ảnh nhỏ”. Vì vậy, chuyến du Xuân “đến với Phật, về với Mẫu” ở Tam Đảo - Tây Thiên do Công đoàn Báo TG&VN tổ chức được hưởng ứng rất nhiệt tình.

Sau hơn một giờ di chuyển từ Hà Nội, cả đoàn đã được tắm mát trong làn không khí mát lạnh, với sương mờ bảng lảng trên đỉnh núi Tam Đảo. Cái nắng oi ả báo trước mùa Hạ mấy ngày qua đã hoàn toàn biến mất.

Cả đoàn ồ lên thích thú khi xe dừng bánh và ùa xuống tranh thủ “săn mây”, tận hương phong vị mát lạnh ở độ cao hơn 1.300 mét so với mực nước biển. Quỹ thời gian chẳng hào phóng, sương sớm sẽ tan nhanh khi Mặt trời lên, chuyến xe lại tiếp tục chở chúng tôi cùng những làn sương mỏng se lạnh từ đỉnh núi chầm chậm về núi Tây Thiên.

Tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: Phạm Anh Tuấn)

Linh thiêng chốn kỳ sơn

Không làm chúng tôi thất vọng, khu danh thắng-du lịch tâm linh Tây Thiên hiện ra là một vùng kỳ sơn với những nét đẹp giữa chốn thiên nhiên hùng vỹ. Nơi đây hội tụ đủ thác, suối, cùng đền, chùa cổ kính, đang được tô điểm bởi những sắc màu cây hoa lim xẹt sắc vàng rực rỡ.

Tuyệt vời nhất là giữa lúc giao mùa, những bụi mẫu đơn đặc hữu của Tam Đảo vẫn đáo Xuân cùng những khóm sim tím lịm đang đua gọi Hè sang. Trong tiếng gió vi vu là bản hòa ca của thác nước, tạo nên cảnh đẹp quyến rũ giữa mênh mang núi rừng.

Ấn tượng đầu tiên đến với chúng tôi là ngôi Đền Thỏng của chùa Thiên Ân với cây đa chín cội - cấu trúc tự nhiên cổ kính hiên ngang giữa đất trời hàng trăm nay nay trên mảnh đất này. Cây đa chẳng khác nào một vị nhạc trưởng của núi rừng linh thiêng nơi đây. T

iếng lá reo như thì thầm kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết khởi nguồn của Phật giáo xuất hiện tại đây từ thế kỷ thứ III trước công nguyên đến tín ngưỡng thờ Mẫu - Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu - Chính Vương phi của Hùng Chiêu Vương thứ bảy. Có thể nói, sự giao thoa tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo của quần thể di tích lịch sử, văn hóa này lập tức khiến chúng tôi mê mẩn với những nét huyền bí rất riêng của Tây Thiên.

Nhưng đây mới chỉ là nơi dừng chân trước khi trèo đèo lội suối lên đến Đền Thượng – nơi thờ Quốc Mẫu trên đỉnh ngọn Tây Thiên. Khi xưa phải mất nửa ngày trèo đèo lội suối, thậm chí phải đu dây rừng mới đến được Đền thượng với quãng đường dài hơn 3km.

Còn ngày nay, xe điện đã đưa du khách từ Đền Thỏng đến chân núi, chỉ mất năm phút và hệ thống cáp treo hiện đại sẽ đưa du khách thưởng ngoạn Tây Thiên từ trên cao thêm 10 phút. Chỉ 15 phút, đoàn chúng tôi đã đến được đền Cô, đền Cậu ở lưng chừng núi. Từ đây, mọi người đều phải thử sự dẻo dai của đôi chân thêm 15 phút dốc ngược, có lúc đến 60-70 độ để lên được đến Đền Thượng linh thiêng - tọa trên đỉnh núi Tây Thiên mây phủ.

Nơi sinh hoạt cộng đồng

Đoàn chúng tôi dừng chân nơi đền Mẫu, thành kính dâng hương. Tiếng cung văn hát chầu văn ngân nga: “Nước Việt Nam có ngàn Đông Lộ/ Cõi Bắc Kỳ có núi Tây Thiên. Dõi truyền thiên hạ ức niên/Ba vị tiên thánh giáng sinh giúp đời./Dân Sơn Đình là nơi sở tại/ Thấy một người khí khái khôn ngoan./Mẫu phó cho phận sự khói nhang/Nguyện cầu quốc thái dân an thuận hòa”.

Ồ, thì ra là Đoàn hầu thánh Mẫu của thanh đồng Kim Oanh từ Hà Nội đang sinh hoạt cộng đồng nơi đây, đang tấu giá Mẫu Tây Thiên nói lên công đức giúp vua Hùng mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa nước, chiêu mộ quân sỹ, củng cố vương triều của Quốc Mẫu. Chúng tôi lặng đi khi được thưởng thức không gian văn hoá đặc biệt này.

Quả thực, di sản Tín ngưỡng thờ cúng Quốc Mẫu Tây Thiên không chỉ là biểu tượng văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc mà còn mang nhiều giá trị về lịch sử, về văn hóa, về truyền thống yêu nước, đoàn kết các dân tộc kiên cường chống giặc ngoại xâm.

Giờ đây, Tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và huyện Tam Đảo đang đề nghị được lập - hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh tập quán xã hội và tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên nơi đây là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với nhận thức đó, Khu du lịch tâm linh Tây Thiên là một trong ít điểm du lịch không còn cảnh chèo kéo khách và cùng với đó là hàng trăm nhân công đang ngày đêm giữ gìn, làm đẹp cảnh quan nơi đây. Là một trong những điểm sinh hoạt cộng đồng Thờ Mẫu, nên Tây Thiên thường xuyên đón nhiều khách thập phương đến thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Đoàn của thanh đồng Kim Oanh là một trong số đó.

Chị Lê Thị Lĩnh (công nhân làm vệ sinh) cho biết: “Đội vệ sinh chúng tôi có 17 người, làm từ 6h sáng đến 5h chiều. Lễ hội hàng năm vào 15 đến 17/2 Âm lịch hằng năm, có đến hàng vạn khách về dự. Nhưng hai năm nay, do tình hình dịch Covid-19 nên chỉ tổ chức phần Lễ, phần Hội thì không tổ chức nữa nên lượng khách giảm nhiều”.

Chia sẻ với tôi, anh Nguyễn Hùng Nam (đội xe điện) tâm sự: “Tôi đã làm ở đây được năm năm cùng với 12 anh em chạy xe điện khác. Những năm trước đội xe chúng tôi có 60 xe chạy liên tục nhưng giờ lượng khách giảm thì nhân sự cũng giảm. Được làm việc ở một danh thắng tâm linh như thế này, chúng tôi thực sự thoải mái. Mình đưa khách đi lên lễ Mẫu nên cái tâm của mình cũng nhẹ nhõm theo”.

Anh cho biết thêm, hằng năm Ban quản lý tiến hành tu tạo khu danh thắng dựa vào thiên nhiên, chứ không làm cảnh quan nhân tạo. Thái độ phục vụ của nhân viên đối với du khách cũng luôn được nâng cao. Du khách cảm thấy thoải mái sẽ quay trở lại và giới thiệu cho nhiều người khác biết đến. Khách quốc tế, nhất là khách Nhật Bản, Hàn Quốc, rất thường xuyên đến đây du ngoạn và thưởng thức các hoạt động tín ngưỡng trên đền Mẫu”.

Chuyến đi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các công đoàn viên báo Báo Thế giới & Việt Nam. (Ảnh: Phạm Anh Tuấn)

Thân thương một chiều

Mải chơi quên giờ về. Khi những dải khói lam chiều bắt đầu buông, vẻ đẹp nơi đền Tây Thiên bắt đầu trở về với sự cô tịch vốn có. Và có lẽ vẻ đẹp tĩnh mịch của núi rừng mang lại cho người ta cảm giác như đang ở bên cạnh cội nguồn.

Ngồi nghỉ nơi quán nhỏ ven đường, cùng anh em ôn lại chuyện xưa, Trưởng đoàn - Tổng Biên tập Nguyễn Văn Trung chia sẻ kỷ niệm về những ngày đầu nhận nhiệm vụ về Tòa soạn công tác từ những năm đầu thập niên 1990. Anh không quên nhắc đến thế hệ Tổng Biên tập tiền nhiệm đặt nền móng và xây dựng tờ báo, ... để ngày nay, các thế hệ hậu bối đoàn kết cùng nhau đưa Báo ngày một phát triển.

Sau những ngày bộn bề công việc, thì đây thật sự là khoảnh khắc quý báu khi chúng tôi lặng yên bên nhau tận hưởng không gian tĩnh lặng đến trong trẻo. Một ngày dài rồi cũng đến lúc hoàng hôn, chuyến đi nào rồi cũng phải trở về - trở về với công việc, với trách nhiệm, với những xô bồ của cuộc sống, để rồi sẽ có lúc trở lại tìm chút tĩnh lặng ở Tây Thiên.

Không phải bỗng dưng mà hàng năm Tây Thiên lại thu hút đông đảo du khách thập phương về chiêm bái đến thế. Người dân được hoan hỉ cảm nhận được đức từ bi của Phật và lòng quảng đại của Mẫu, là sự bao dung, che chở, phổ độ nhân gian thấy lòng người thư thái mỗi khi về Tây Thiên.