📞

Đặt cược vào tương lai, công ty chứng khoán tăng tốc huy động vốn

Thanh Thủy 11:15 | 19/08/2021
Giá trị giao dịch bùng nổ trên sàn chứng khoán giúp các công ty trong ngành tăng trưởng mạnh thời gian qua. Nhiều công ty đã sớm hoàn tất tăng vốn điều lệ, ghi nhận sự bứt tốc vượt trội.

Rốt ráo tăng vốn

Ngày 6/8/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cùng lúc phê duyệt và cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phần ra công chúng cho 2 công ty chứng khoán, gồm Chứng khoán SSI và Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).

Dù thời gian phân phối chứng khoán được phép kéo dài trong 90 ngày kể từ thời điểm nhận giấy chứng nhận, song SHS đã nhanh chóng chốt ngày đăng ký cuối cùng chào bán cổ phiếu cho cổ đông tỷ lệ 2:1, kèm thêm cổ tức bằng tiền (12%) và cổ phiếu thưởng (5%) vào ngày 24/8 tới đây.

Trong khi đó, SSI chọn ngày 9/9 là ngày lập danh sách cổ đông cho đợt tăng vốn với quy mô cổ phiếu tăng thêm lớn nhất trong lịch sử hoạt động. Theo đó, đợt phát hành của SSI sẽ gồm 219,1 triệu cổ phiếu chia thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 6:2 và 109,55 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6:1. Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ của SSI sẽ tăng từ 6.573 tỷ đồng, lên xấp xỉ 9.860 tỷ đồng.

Với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, SSI dự kiến huy động được 1.095 tỷ đồng. Còn SHS có thể thu về 1.400 tỷ đồng nhờ giá phát hành là 13.500 đồng.

Trước đó, VNDirect đã huy động thành công 3.113 tỷ đồng nhờ phân phối toàn bộ 214,5 triệu cổ phiếu mới, tương đương tỷ lệ phát hành 1:1 trong tháng 7/2021. Còn trong nửa đầu năm, ngành chứng khoán cũng đã có 15 công ty chứng khoán thực hiện tăng vốn với tổng vốn điều lệ tăng thêm tới 7.370 tỷ đồng.

Chất xúc tác từ dòng vốn cổ đông

Chứng khoán Tân Việt (TVSI) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến trong quý II/2021, với tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng gấp 2,49 lần và 2,39 lần so với cùng kỳ năm trước. Công ty chứng khoán này là một trong những đơn vị hoàn tất tăng vốn sớm nhất thị trường.

Mở rộng quy mô vốn điều lệ đã trở thành đòn bẩy giúp TVSI nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất trong ngành. Doanh thu từ hoạt động môi giới và lãi từ các khoản cho vay ký quỹ (margin) đạt 162,4 tỷ đồng và 124,9 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với quý II/2020.

Trong 15 công ty chứng tăng vốn trong nửa đầu năm 2021, một số công ty tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu sẵn có, điển hình như đợt chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 1:1 của Chứng khoán Bản Việt (VCSC). Cùng với đó, nhiều công ty khác huy động được nguồn tiền mới của các nhà đầu tư, trong đó đa phần là từ cổ đông hiện hữu như trường hợp của Chứng khoán ACB (ACBS), Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), Chứng khoán KIS Vietnam, Chứng khoán Quốc gia (NSI)…

Quy mô doanh thu của các công ty chứng khoán này phần lớn tăng 2-5 lần so với nửa đầu năm 2020. Tăng trưởng lợi nhuận nhóm này cũng tính bằng lần, một số chuyển từ lỗ sang lãi trong 6 tháng đầu năm nay.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đã đưa thanh khoản tăng vọt. Như riêng trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong nửa đầu năm đã tăng lên 18.554 tỷ đồng, trong khi bình quân năm 2020 chỉ đạt 4.693 tỷ đồng. Cùng với dòng tiền của các nhà đầu tư, phần vốn vay margin do các công ty chứng khoán cấp cũng tăng vọt.

Thống kê tại hơn 70 công ty chứng khoán, tổng doanh thu trong nửa đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 34.390 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của nhóm này gấp 2,79 lần cùng kỳ, từ chưa đến 4.845 tỷ đồng tăng lên 13.523 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, ở nhóm công ty chứng khoán đã nhanh chóng bổ sung vốn tự có, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều vượt trội, lần lượt gấp 2,87 lần và 3,15 lần so với cùng kỳ.

Nhiều công ty đã lên kế hoạch tăng vốn, nhưng chưa kịp triển khai cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội ở các mảng môi giới và lãi từ cho vay ký quỹ. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn nợ để tạm thời thay thế cho phần vốn tự có cũng làm gia tăng chi phí trong kỳ.

Như trường hợp của HSC, doanh thu môi giới trong 6 tháng đã cao gấp đôi cùng kỳ, đạt xấp xỉ 655 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay cũng tăng lên 271 tỷ đồng, gấp 2,63 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí lãi vay phải trả của công ty chứng khoán này cũng tăng từ mức 61 tỷ đồng lên 257 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần. HSC đã tăng tỷ lệ nợ vay từ 64% lên 69% sau nửa năm, chủ yếu do huy động thêm 2.250 tỷ đồng nguồn vốn vay ngắn hạn của các ngân hàng.

Dù gia tăng chi phí, nhưng nhờ nhiều có mảng nghiệp vụ khác như tự doanh, nên lợi nhuận của HSC vẫn gấp 2,4 lần cùng kỳ, đạt 754 tỷ đồng và đã hoàn thành gần 63% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm.

Đặt cược vào tương lai thị trường

Miếng bánh thị trường nở rộng nhanh chóng là nguyên nhân khiến các công ty chứng khoán chạy nhanh hơn trên đường đua huy động vốn. Chỉ tính riêng phần vốn sử dụng để cấp cho các khách hàng vay margin tại hơn 70 công ty chứng khoán đã tăng 47,65% so với đầu năm, lên hơn 138.900 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng xấp xỉ 50% tài sản công ty chứng khoán. Trong đó, hơn 20 công ty chứng khoán đã bổ sung hàng ngàn tỷ đồng để cấp margin, nhiều nhất là SSI (6.933 tỷ đồng), VNDirect (4.596 tỷ đồng)…

Giá trị huy động vốn từ các cổ đông thông qua các đợt phát hành cổ phiếu thực tế thấp hơn nhiều so với sự gia tăng của nguồn vốn vay. Theo thống kê từ hơn 70 công ty chứng khoán, tổng nợ của các công ty đã tăng 33%. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ tăng 18%. Trong đó, mức tăng trưởng từ vốn góp chưa đến 10%, còn lại phụ thuộc vào phần lợi nhuận tích lũy được trong kỳ.

Phần lớn các công ty tìm kiếm thêm nguồn vốn từ các ngân hàng hay phát hành trái phiếu, chủ yếu ở kỳ hạn ngắn. Kênh tín dụng ngân hàng nội gặp nhiều hạn chế do chứng khoán thuộc nhóm chịu hệ số rủi ro cao. Dư nợ cho vay, theo số liệu ước tính của Ngân hàng Nhà nước, cũng chỉ tăng 3% trong nửa đầu năm.

Trong khi đó, không ít công ty chứng khoán tìm đến nguồn vốn của các ngân hàng ngoại. Nguồn vốn vay thêm của HSC một phần đến từ hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 44 triệu USD với nhóm 7 định chế tài chính Đài Loan, trong đó đứng đầu là First Commercial Bank (FCB). Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cũng vay được từ Taishin International Bank Co. Ltd (459 tỷ đồng), Cathay United Bank (231 tỷ đồng) trong tổng cộng 2.800 tỷ đồng vay thêm từ các ngân hàng. VCSC đã có tới 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ từ đầu năm đến nay.

Cũng có những công ty chứng khoán lớn huy động vốn của khách hàng cá nhân dưới hình thức hợp tác kinh doanh, đầu tư... Tuy nhiên, với quy định không cho phép tổ chức ngoài ngân hàng thương mại nhận tiền gửi từ dân cư, sản phẩm này đã bị “tuýt còi” và bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu giải trình. Một số sản phẩm tài chính được triển khai gần đây thông qua mua bán các giấy tờ có giá cũng nhắm đến nguồn vốn của khách hàng.

Xét về chi phí vốn, vốn chủ sở hữu thực tế còn được đánh giá là đắt đỏ hơn so với vốn vay. Ở nhiều ngành nghề kinh doanh tốt, không ít doanh nghiệp chi trả cho cổ đông mức cổ tức vài chục phần trăm. Trong trường hợp giữ nguyên tỷ lệ cổ tức các năm trước, áp lực cũng tăng lên khi cổ phiếu bị pha loãng.

Tuy nhiên, với đặc thù luôn phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn tài chính, tăng vốn chủ sở hữu là yêu cầu bắt buộc nếu công ty muốn nới thêm giới hạn cấp margin cho các nhà đầu tư. Đã có công ty chứng khoán phải ngừng dịch vụ cấp margin cho khách hàng do vượt hạn mức cho vay ở ngày chốt giao dịch quý II (30/6/2021).

Hơn nữa, huy động vốn thời gian này còn là thời cơ hiếm có. Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng ở mức thấp, nhiều ngành nghề đang gặp khó khăn, dòng tiền mang tính đầu cơ chảy mạnh hơn vào thị trường, tiền đã và đang đổ nhiều hơn vào ngành chứng khoán. Tăng trưởng kết quả kinh doanh đang hút dòng tiền của các nhà đầu tư vào cổ phiếu ngành này. Chỉ trong hơn một năm qua, cổ phiếu của nhiều công ty chứng khoán trên sàn đã tăng giá gấp vài lần.

Hệ số P/E (phản ánh tỷ lệ giữa giá cổ phiếu hiện tại và thu nhập từ mỗi cổ phiếu) ở một số công ty chứng khoán lớn trên sàn đang ở mức 19 - 20 lần, cao hơn nhiều so với thời gian trước và hệ số P/E của chỉ số chung.

Theo các nhà phân tích từ Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín, thị trường chứng khoán Việt Nam đến hết năm 2021 vẫn có diễn biến sôi động với nền tảng thanh khoản được duy trì ở mức cao. Với kỳ vọng này, nhà đầu tư đang chấp nhận mức giá cao đối với cổ phiếu ngành này. Tuy nhiên, nhìn ở quãng xa hơn, cổ phiếu nhóm chứng khoán sẽ đối diện với áp lực pha loãng khi cổ phiếu phát hành ra thị trường nhiều hơn, còn thu nhập ròng của các công ty trong ngành ở tương lai hậu Covid-19 vẫn còn là ẩn số.

Không thể phủ nhận vai trò của dòng tiền nhàn rỗi tạm tìm đến thị trường chứng khoán khi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ thời gian qua. Tuy vậy, sức hấp dẫn của chứng khoán vẫn có thể giữ chân dòng tiền, nhất là trong giai đoạn thị trường chuyển mình hiện nay.

Theo chia sẻ gần đây của ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Đề án Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030 đã cơ bản hoàn thành và chuẩn bị xin ý kiến đóng góp của thành viên thị trường. Dự án đưa vào sử dụng hệ thống KRX được kỳ vọng hoàn thành trong tương lai gần sẽ cho phép triển khai các sản phẩm mới, thực hiện giao dịch trong ngày (T0). Hay việc áp dụng mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cũng giúp giảm ký quỹ tiền trước khi đặt lệnh mua chứng khoán từ mức tỷ trọng 100% xuống còn 10 - 20%.

Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán không phải chuyện ngày một ngày hai đạt được, nhưng trên hành trình tới đích đến này, gia tăng năng lực tài chính là điều cần thiết để các công ty chứng khoán đón đầu sự trưởng thành của thị trường.

(theo Báo Đầu tư)