Trung Quốc mang đến hy vọng về sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. (Nguồn: AFP) |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định của Trung Quốc trong ba năm qua đã cho thấy thêm bằng chứng về chiến thắng của nước này trong cuộc chiến chống đại dịch.
Từ năm 2020 đến năm 2022, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng trung bình năm 4,5%, vượt mức trung bình toàn cầu và cao hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn như Mỹ và Đức.
Khi tác động của dịch giảm dần, Bắc Kinh có được động lực vững chắc cho sự phục hồi của nền kinh tế. Từ các hoạt động sản xuất được thúc đẩy đến tiêu dùng phục hồi, các số liệu kinh tế báo hiệu triển vọng sáng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đã điều phối hiệu quả giữa việc kiểm soát dịch và ngăn chặn những tác động đến nền kinh tế.
Phát biểu tại một cuộc họp gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho hay, thắng lợi của nước này trong cuộc chiến chống đại dịch là điều kỳ diệu trong lịch sử văn minh của nhân loại, khi phản ứng với đại dịch diễn ra thuận lợi trong thời gian tương đối ngắn và tỷ lệ tử vong thấp nhất thế giới.
Về phát triển kinh tế, Trung Quốc đã triển khai một loạt các chính sách hỗ trợ nền kinh tế như tăng cường các sáng kiến về thuế phí và các thực hiện các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính.
Trong khi lạm phát là mối lo ngại của nhiều nền kinh tế lớn, Trung Quốc đã duy trì lạm phát ở mức 2% trong năm 2022, mức tương đối thấp trên thế giới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, tăng 0,8 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2022.
Trong khi đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống 2,9% từ mức 3,4% được đưa ra trước đó.
Đại diện thường trú IMF tại Trung Quốc Steven Barnett cho rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất trong năm nay và đóng góp 30% trong tăng trưởng kinh tế của toàn cầu.