Ảnh minh họa. |
Trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, khi nhìn lại 30 năm đổi mới (1986–2016), Đảng ta đã rút ra năm bài học kinh nghiệm, trong đó bài học thứ tư nhấn mạnh “phải đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”.
Đây là bài học rất quan trọng, một nội dung mới, được rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn trong 30 năm đổi mới và đưa vào dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới. Nhưng hiểu về bài học này như thế nào cho đúng và đầy đủ trong bối cảnh đất nước hiện nay thực sự là vấn đề không đơn giản. Từ góc độ của nhà nghiên cứu về đối ngoại, tôi cho rằng để hiểu đúng, đầy đủ và có thể ứng dụng thành công bài học này trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần nắm vững những nội dung sau:
Thứ nhất, về nội hàm lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam hiện nay. Trước đây, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, ưu tiên cao nhất và lợi ích cao nhất của Việt Nam lúc đó là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trong 30 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đặt ra hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó nhiệm vụ xây dựng đất nước được ưu tiên đặt lên trên, nhưng về cơ bản lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam vẫn là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng và bảo vệ sự ổn định của hệ thống chính trị. Đây là nhân tố bất biến trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực lúc đó không ngừng biến động, các thế lực thù địch thường xuyên có nhiều âm mưu và hành động nhằm thay đổi, chuyển hóa chế độ ở Việt Nam.
Hiện nay, nội hàm của lợi ích quốc gia dân tộc vẫn bao gồm những yếu tố như trên, nhưng không chỉ có vậy, Việt Nam cũng có lợi ích to lớn trong việc thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đi cùng với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Yếu tố phát triển, nhất là phát triển bền vững, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới, được đề cao hơn trước. Đây là khía cạnh mới, ngày càng quan trọng trong tổng thể các lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam. Nội hàm của khái niệm lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam hiện nay rộng lớn và phức tạp hơn rất nhiều so với các giai đoạn trước đây. Có thể nói lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam hiện nay là tổng hòa giữa lợi ích cơ bản và lợi ích phát triển. Lợi ích cơ bản là tiền đề không thể thiếu để hiện thực hóa lợi ích phát triển. Còn lợi ích phát triển sẽ góp phần củng cố vững chắc hơn lợi ích cơ bản.
Thứ hai, riêng trong công tác đối ngoại, lợi ích quốc gia dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay. Lợi ích quốc gia dân tộc đang và sẽ là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của Việt Nam. Suy cho cùng, chính sách đối ngoại là sự kéo dài của chính sách đối nội, phục vụ các mục tiêu bên trong của mỗi quốc gia dân tộc. Với Việt Nam, đó là an ninh, phát triển và vị thế quốc tế ở khu vực và trên thế giới.
Nhiệm vụ của công tác đối ngoại đã được xác định rất rõ: Một là, góp phần duy trì và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định ở bên ngoài để tạo thuận lợi cho tiến trình phát triển trong nước. Hai là, không ngừng nâng cao vị thế đất nước, góp phần xây dựng thế giới ngày càng tiến bộ hơn, công bằng và dân chủ hơn. Ba là, tranh thủ mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để đưa đất nước tiến lên, từ vốn, kinh nghiệm quản lý, khoa học công nghệ, thị trường, viện trợ… Đó chính là tranh thủ và kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Nhìn lại 30 năm đổi mới vừa qua, chính nhờ đi đúng xu thế của thế giới, tranh thủ tốt các sức mạnh từ bên ngoài, công cuộc đổi mới của đất nước ngày càng đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trong những năm tới, tình hình sẽ còn diễn biến rất phức tạp, nhiều nguy cơ và thách thức to lớn đặt ra, đòi hỏi chúng ta phải kiên định hơn nữa con đường đi lên CNXH của Đảng, của đất nước, kiên định độc lập, tự chủ và lợi ích quốc gia dân tộc để xử lý thành công các quan hệ đối ngoại rất phức tạp, nhất là với các nước lớn.
Thứ ba, tình hình thế giới và khu vực hiện nay không ngừng diễn biến phức tạp và rất khó lường. Tiến trình toàn cầu hóa, khu vực hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc với sự đan xen phức tạp về lợi ích giữa các chủ thể trong quan hệ quốc tế. Trong đối tác có đối tượng, trong đối tượng có đối tác. Tập hợp lực lượng trong quan hệ quốc tế ngày nay diễn ra rất linh hoạt, thay đổi rất nhanh chóng. Vai trò của yếu tố ý thức hệ ngày càng giảm. Lợi ích quốc gia dân tộc là tối cao. Việc xử lý hài hòa lợi ích của các bên tham gia cuộc chơi là điều kiện đảm bảo thành công của hợp tác. Hợp tác và đấu tranh đan xen, tạo thành sự tùy thuộc lẫn nhau vô cùng sâu sắc. Sự phát triển của các vấn đề toàn cầu như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nước biển dâng, biến đổi khí hậu… đã buộc tất cả các quốc gia phải hợp tác để giải quyết.
Trong bối cảnh đó, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác lớn, các nước quan trọng. Chủ trương xây dựng các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Trong thế giới ngày nay, các quốc gia không thể tùy tiện sử dụng vũ lực, mà phải căn cứ vào luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Do vậy, chủ động, tích cực đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế chính là cách tốt nhất để chúng ta vừa xây dựng đất nước, vừa bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Cuối cùng, việc nêu bật bài học về đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết cũng chuyển đi thông điệp mạnh mẽ về đoàn kết dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới. Với hàng chục FTA đã và đang được ký kết, triển khai, Việt Nam được dự báo trong những năm tới sẽ có nhiều biến đổi sâu sắc. Việt Nam sẽ ngày càng cởi mở hơn, phát triển hơn, hội nhập hơn với các chuẩn mực và hệ thống kinh tế, xã hội, pháp lý… trên thế giới, nhưng cũng đa dạng và phức tạp hơn. Thách thức sẽ đi liền với cơ hội. Mỗi chủ thể trong xã hội, từ chính quyền tới các doanh nghiệp và các đoàn thể xã hội và các địa phương cần quán triệt sâu sắc bài học đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, biết đoàn kết, biết đặt cái chung lên trên cái riêng, thì dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thành công, tiến trình hội nhập quốc tế nhất định sẽ thắng lợi.
TS. Trần Việt Thái