📞

Đặt nền tảng để kinh tế trở lại lộ trình tăng trưởng

Linh An 10:54 | 18/01/2022
Việc thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sẽ đặt nền móng cho sự trở lại lộ trình tăng trưởng của nền kinh tế.
Với Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, doanh nghiệp có thêm trợ lực để vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Tiền hỗ trợ là tiền thuế của dân, phải được sử dụng hiệu quả

Vào thời điểm này, những người đã góp phần thiết kế nên hình hài của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 vẫn chưa hết bận rộn. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình, phần việc quan trọng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đảm nhận là xây dựng và trình ban hành nghị quyết của Chính phủ để các cấp, các ngành có thể thực hiện được các chính sách này.

Phát biểu giải trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV vừa qua, trước khi các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã xác định, vấn đề quan trọng nhất bảo đảm cho sự thành công của chính sách chính là khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành sau khi các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình được Quốc hội thông qua.

Nhưng không dừng lại ở đó. Bộ trưởng cam kết, năm 2022 sẽ thực hiện và giải ngân khoảng 42% tổng số vốn của Chương trình; phần còn lại sẽ thực hiện và giải ngân trong năm 2023. Cụ thể, chính sách miễn, giảm thuế thực hiện ngay 100% trong năm 2022. Hỗ trợ đầu tư công, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, hạ tầng giao thông chiến lược cần phải có thời gian để hoàn tất các công tác chuẩn bị, nên cần có sự điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư trung hạn và chính sách tài khóa...

“Tiền cho gói hỗ trợ là tiền thuế của dân, phải được sử dụng một cách hiệu quả nhất, chọn đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm và tuân thủ đúng những nguyên tắc thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói với báo chí khi được hỏi về việc triển khai Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tới đây.

Thực tế, công việc chuẩn bị cho việc triển khai chương trình này đã được thực hiện từ nhiều tháng trước và chắc chắn sẽ là phần nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 2 năm tới.

Đầu tháng 10/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì một hội nghị tham vấn đặc biệt với sự tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, các chuyên gia kinh tế. Lần đầu tiên, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế 2022-2023 được công bố, với những nét phác thảo chính.

Tuy nhiên, ngay hôm đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ rõ quan điểm là, Chương trình này phải gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đồng thời đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao rõ rệt về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Như vậy, dù quy mô của gói hỗ trợ là bao nhiêu thì điều quan trọng nhất là các giải pháp, chính sách cần sớm đến được các đối tượng, để hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh vàà tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Hơn thế, các chính sách sẽ được được xây dựng để củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Tinh thần khi thiết kế chương trình này là phải nhanh, rõ, dễ làm, nhưng cũng phải có công cụ kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với địa chỉ trách nhiệm rõ ràng của từng cấp, từng ngành là yếu tố quyết định nguồn lực chảy đúng vào lĩnh vực mong muốn, nền kinh tế hấp thụ được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Nền kinh tế sẽ trở lại đường đua

Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam không chỉ ở góc độ là năm đầu tiên thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát tiển kinh tế - xã hội, là điểm đầu của quá trình phục hồi kinh tế, mà còn là thời điểm đặt nền móng cho sự trở lại lộ trình tăng trưởng. Đây cũng là năm quyết định việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và những tầm nhìn dài hạn hơn.

Nhiệm vụ nặng nề đã được xác định rõ trong Nghị quyết 01/2022/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, với 6 quan điểm, trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công; phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở...

Trong khi đó, Chính phủ đã dự báo, tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo không đồng đều, chưa vững chắc, có thể thấp hơn năm 2021; áp lực lạm phát, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.

Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong phát triển kinh tế - xã hội. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng còn tiềm ẩn nếu dịch bệnh không được kiểm soát hiệu quả. Thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nặng nề…

Với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, phần nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực sự nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm và quyết tâm của từng người.

Trong khi đó, Chính phủ đã dự báo, tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo không đồng đều, chưa vững chắc, có thể thấp hơn năm 2021; áp lực lạm phát, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.

Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong phát triển kinh tế - xã hội. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng còn tiềm ẩn nếu dịch bệnh không được kiểm soát hiệu quả. Thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nặng nề…

Với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, phần nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực sự nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm và quyết tâm của từng người.

(theo Báo Đầu tư)