Báo Thế giới & Việt Nam bình chọn 10 dấu ấn đối ngoại nổi bật của Việt Nam năm 2023. |
| Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) | Đối ngoại, ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” đạt nhiều thành tựu nổi bật. Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao với 22 chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt và 28 đoàn cấp cao các nước thăm Việt Nam cùng với hàng trăm cuộc tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị đa phương, góp phần củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế đất nước. |
| Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Bộ Ngoại giao tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. (Ảnh: Tuấn Anh) | Hội nghị Ngoại giao 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng” thành công tốt đẹp. Hội nghị nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, tại Phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo, định hướng toàn diện, sâu sắc tất cả các lĩnh vực của ngành Ngoại giao và khẳng định ngành Ngoại giao và đối ngoại đã “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước”. |
| Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân, ngày 12/12/2023. (Nguồn: TTXVN) | Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc được nâng tầm với chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. |
| Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. (Nguồn: TTXVN) | Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đạt dấu mốc mới với việc xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam theo lời mời của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. |
| Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio duyệt đội danh dự.(Nguồn: TTXVN) | Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới trong chuyến thăm chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ ngày 27-30/11 trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và quan hệ song phương được hai bên đánh giá đang ở thời khắc tốt đẹp nhất trong lịch sử. |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước. (Ảnh: Tuấn Anh) | Với phương châm "lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, ngoại giao kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam nằm trong nhóm 11 nền kinh tế hàng đầu châu Á, nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỷ USD, xuất siêu 26 tỷ USD; vốn FDI đạt mức cao kỷ lục với 36,6 tỷ USD. |
| Chiều 6/8, tại Jakarta, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo Quốc hội/Nghị viện các nước thành viên Hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) đã dự phiên họp Ban Chấp hành AIPA lần thứ 44. (Nguồn: TTXVN) | Ngoại giao đa phương của Việt Nam gặt hái nhiều thành công với việc Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, trọng trách quan trọng tại các thể chế đa phương như Liên hợp quốc, UNESCO, phát huy vai trò tại ASEAN và các cơ chế liên quan. Việt Nam đóng góp ngày càng tích cực, có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề chung toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, cắt giảm khí thải; tiếp tục tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình và lần đầu tiên cử lực lượng tham gia cứu hộ nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ. |
| Nhóm công dân Việt Nam đầu tiên bị mắc kẹt tại khu vực giao tranh phía Bắc Myanmar về nước an toàn. (Ảnh: Tuấn Việt) | Công tác người Việt và bảo hộ công dân ở nước ngoài đạt nhiều kết quả quan trọng. Ngày Tôn vinh tiếng Việt (8/9) trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài lần đầu được tổ chức; Phố Việt Nam (Vietnam Town) đầu tiên trên thế giới được khai trương tại Udon Thani, Thái Lan; cộng đồng người Việt lần đầu tiên được Chính phủ Slovakia công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14. Công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng được kịp thời triển khai tại những địa bàn xảy ra xung đột, thiên tai như Ukraine, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ hay đối với những người Việt bị lừa “việc nhẹ lương cao” sang làm việc tại một số nước Đông Nam Á. |
| Quần thể Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO tại Saudi Arabia. (Nguồn: Tuổi trẻ) | Ngoại giao văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh với việc tổ chức thành công Ngày Việt Nam tại ba châu lục; vận động thành công bốn danh hiệu UNESCO, tham gia năm cơ chế điều hành then chốt của UNESCO. Di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được tôn vinh trên khắp thế giới. Công tác thông tin đối ngoại, có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. |
| Ngày 23/12, Toà thánh đã công bố việc Tổng Giám mục Marek Zalewski được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm làm đại diện thường trú đầu tiên của Tòa thánh tại Việt Nam. (Nguồn: Hội đồng giám mục Việt Nam) | Quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican tiến triển tích cực với việc hai bên thông qua “Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam” trong chuyến thăm Toà thánh Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và lần đầu tiên Toà thánh có Đại diện Thường trú tại Việt Nam. Đây là kết quả thể hiện chính sách nhất quán của Nhà nước ta là tôn trọng và đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo. |
(Bình chọn của Ban Biên tập Báo Thế giới & Việt Nam)