📞

'Đau đầu' lo kéo tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc hết cửa 'giải cứu thế giới'?

Linh Chi 10:01 | 18/07/2023
GDP của Trung Quốc trong quý II/2023 tăng 6,3%, thấp hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế. Những con số này chỉ ra rằng, kỳ vọng bùng nổ hậu Covid-19 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể không thành hiện thực.
Đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại. Ảnh minh họa. (Nguồn: DD News)

Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), so với quý đầu tiên năm nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2023 chỉ tăng 0,8%. Như vậy, tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại đáng kể so với mức tăng trưởng 2,2% theo quý, mức mà chính phủ kỳ vọng.

Năm ngoái, các đợt phong tỏa khắc nghiệt do đại dịch Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm cả trung tâm tài chính Thượng Hải. Ngay sau khi đất nước này mở cửa trở lại, thế giới đã kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng của người dân đất nước sẽ vực dậy nền kinh tế.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng cho rằng, năm nay, Trung Quốc sẽ gánh trọng trách "giải cứu thế giới" khi nhiều nền kinh tế lớn đang loay hoay với lạm phát, khủng hoảng năng lượng hay bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraine.

Trong quý đầu tiên của năm, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ, với GDP tăng trưởng 4,5%. Tuy nhiên, một loạt số liệu kinh tế trong những tháng gần đây cho thấy, động lực đó đã phai nhạt.

Theo dữ liệu NBS công bố ngày 17/7, chi tiêu của người tiêu dùng giảm rõ rệt và niềm tin kinh doanh sa sút. Điều này càng củng cố ý kiến ​​cho rằng, tăng trưởng thực sự đang mất đà.

Ông Harry Murphy Cruise, nhà kinh tế học tại Moody's Analytics cho biết: “Đà phục hồi ấn tượng những tháng đầu năm nay của Trung Quốc đến từ sự bùng nổ của nhu cầu bị dồn nén, sau khi đất nước mở cửa trở lại. Hiện tại, dư âm của đại dịch đang cản trở đà tăng trưởng của đất nước này. Sự phục hồi suy yếu đã khiến Bắc Kinh phải đưa ra một số biện pháp kích thích, nhưng quốc gia này cần nhiều hơn thế".

Bốn thách thức

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với một số thách thức.

Thứ nhất, người tiêu dùng ngày càng thận trọng trong chi tiêu. Theo NBS, doanh số bán lẻ tăng 3,1% trong tháng 6, thấp hơn đáng kể so với mức 12,7% của tháng 5. Số liệu này đánh dấu mức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 12/2022, khi Bắc Kinh loại bỏ hầu hết các hạn chế do đại dịch Covid-19.

Thứ hai, các doanh nghiệp tư nhân - "xương sống" của nền kinh tế và là nguồn tạo việc làm lớn nhất - do dự trong việc tuyển dụng hoặc đầu tư mới.

Đầu tư vào tài sản cố định như đường xá và cơ sở hạ tầng từ khu vực tư nhân đã giảm 0,2% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Điều này tăng tốc từ mức giảm 0,1% trong 5 tháng đầu năm. Ngược lại, đầu tư của khu vực nhà nước đã tăng 8,1% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục. Tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi đạt 21,3% trong tháng 6, phá vỡ kỷ lục 20,8% trước đó, được thiết lập vào tháng 5.

Phát ngôn viên của NBS Fu Linghui dự đoán: "Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên có thể tăng thêm, trước khi giảm dần sau tháng 8. Điều này là do một số lượng lớn sinh viên vừa tốt nghiệp đại học và những người tìm việc trẻ tuổi khác ​​sẽ tham gia vào thị trường lao động trong hai tháng tới".

Thứ ba, thị trường bất động sản sa lầy trong thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất. Đầu tư vào ngành bất động sản đã giảm 7,9% trong 6 tháng đầu năm nay. Nguồn cầu cũng yếu, với lượng bán nhà giảm 5,3%.

Thứ tư, nền kinh tế toàn cầu đang xuống dốc đã gây thêm khó khăn cho Trung Quốc. Theo số liệu hải quan công bố vào tuần trước, xuất khẩu của nước này giảm 12,4% trong tháng 6, tốc độ nhanh nhất trong ba năm. Nhập khẩu cũng giảm 6,8% - tệ hơn so với dự đoán của thị trường.

Chuyên gia kỳ vọng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới sẽ thay đổi nền kinh tế đất nước tỷ dân. (Nguồn: Bloomberg)

Cần nới lỏng có mục tiêu

Trung Quốc đối phó thế nào với sự suy giảm là mối quan tâm của các nhà đầu tư và hoạch định chính sách toàn cầu, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen - người đã đến thăm Bắc Kinh vào đầu tháng này.

Bà Janet Yellen nói rằng: “Trung Quốc là nhà nhập khẩu rất lớn từ nhiều quốc gia trên thế giới, vì vậy tăng trưởng của đất nước chậm lại sẽ tác động đến nhiều quốc gia".

Để thúc đẩy tăng trưởng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cắt giảm lãi suất cơ bản để thúc đẩy hoạt động cho vay của ngân hàng. Chính phủ gia hạn giảm thuế cho người tiêu dùng mua xe năng lượng mới đến năm 2027, nhằm khuyến khích bán hàng và sản xuất tại thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

Dù vậy, các nhà phân tích nói rằng, các biện pháp kích thích là không đủ.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết: “Để chống lại những cơn gió ngược tăng trưởng dai dẳng, chúng tôi mong đợi nhiều biện pháp nới lỏng có mục tiêu hơn trong những tháng tới, tập trung vào tài chính, nhà ở và tiêu dùng”.

hà kinh tế Cruise kỳ vọng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới sẽ thay đổi nền kinh tế đất nước tỷ dân.

Theo ông Liu Guoqiang, Phó Thống đốc của PBOC, ngân hàng này sẽ đẩy mạnh “điều chỉnh ngược chu kỳ” để hỗ trợ tăng trưởng.

“Các chính sách ngược chu kỳ” đề cập các biện pháp chống lại các tác động của chu kỳ kinh tế. Ví dụ, các quan chức có thể tăng thêm các gói kích thích để thúc đẩy mở rộng trong thời kỳ suy thoái hoặc thắt chặt cho vay ngân hàng trong thời kỳ bùng nổ.

Ông Liu Guoqiang bác bỏ những lo ngại của thị trường về giá cả giảm.

Phó Thống đốc PBOC cho rằng: "Nền kinh tế Trung Quốc không rơi vào tình trạng giảm phát và không có dấu hiệu của hiện tượng này trong nửa cuối năm nay. Điều quan trọng là cần sự kiên nhẫn. Các biện pháp kích thích được đưa ra trước đó đang có hiệu quả".

(theo CNN, CNBC)