📞

Dầu Nga vẫn chảy khắp thế giới, EU nhập kỷ lục, Trung Quốc mua giá cao; Moscow đã chơi ‘nước cờ cao tay’?

Hải An 08:29 | 26/04/2023
Dường như thông tin cho rằng Trung Quốc đang được giảm giá mạnh khi mua dầu thô của Nga là không chính xác. Thực tế, trung bình các nhà nhập khẩu tại quốc gia Đông Bắc Á phải trả 84 USD/thùng, tương đương giá dầu thế giới.
Dưới áp lực của các lệnh trừng phạt từ EU và G7, Nga đã xuất khẩu dầu thô sang các thị trường thay thế, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ. (Nguồn: cepr.org)

Sau chiến dịch quân sự của Moscow vào Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) lần lượt áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển và trần giá đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Thành công tìm khách hàng mới

Theo bài viết mới đây trên cepr.org, khi sử dụng dữ liệu hải quan về hoạt động xuất khẩu của Nga để đánh giá tác động của các biện pháp trừng phạt đối với nước này, các nhà nghiên cứu nhận thấy, Moscow đã chuyển hướng xuất khẩu dầu thô từ châu Âu sang các thị trường thay thế. Tuy nhiên, doanh thu của nước này đã giảm đáng kể do các khoản chiết khấu khá lớn mà các nhà xuất khẩu phải chấp nhận.

Các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đối với dầu của Nga được đánh dấu bằng lệnh cấm vận dầu thô vận chuyển bằng đường biển của EU và cơ chế trần giá do G7 đề xuất có hiệu lực vào ngày 5/12/2022. Thêm vào đó, với lệnh cấm vận của EU đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế có hiệu lực kể từ ngày 5/2/2023, một lượng hàng đáng kể của Nga bị trừng phạt - ước tính khoảng 51% dầu thô và 64% sản phẩm dầu, tính theo khối lượng năm 2021.

Trong khi các đồng minh của Ukraine giảm rõ rệt năng lượng nhập khẩu dầu từ Nga trong nửa cuối năm 2022, việc giá tăng cao đã hỗ trợ tổng thu nhập của Moscow, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục 532 tỷ USD, tăng 21 % so với năm 2021. Đồng thời, nhập khẩu giảm đáng kể vào năm 2022 xuống còn 217 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2021. Kết quả là thặng dư thương mại cao chưa từng thấy, cán mốc 316 tỷ USD.

Năm 2022, xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga đạt 333 tỷ USD - chiếm 63% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa - trong đó dầu thô đạt 142 tỷ USD, các sản phẩm từ dầu 83 tỷ USD và khí đốt tự nhiên 108 tỷ USD.

Dưới áp lực các lệnh trừng phạt, Nga đã nhanh chóng chuyển hướng các chuyến hàng dầu thô từ các nước phương Tây sang các thị trường thay thế ở châu Á, trong khi giá dầu toàn cầu tăng cao đã thúc đẩy doanh thu.

Ước tính, giá dầu thế giới cao hơn đã thúc đẩy doanh thu xuất khẩu dầu của Nga tăng khoảng 35 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 3-12/2022 so với giai đoạn tương ứng năm 2021. Trong đó, dầu thô chiếm khoảng 19 tỷ USD và các sản phẩm dầu tinh chế chiếm 16 tỷ USD.

Nga đã xuất khẩu dầu thô sang các thị trường thay thế, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ. Hai quốc gia này cùng với Thổ Nhĩ Kỳ đã “thế chân” EU trở thành khách hàng mua dầu thô quan trọng nhất của Moscow và chiếm 2/3 lượng xuất khẩu của nước này trong quý IV/2022 so với chưa đến 1/3 trong quý I/2022.

Ngược lại, đối với các sản phẩm dầu tinh chế, doanh thu của Nga giảm do các nước G7 giảm lượng mua, trong khi Moscow không có thị trường thay thế. Còn với thị trường các nước EU, giá cao hơn bù đắp cho việc giảm khối lượng đối với cả dầu thô và sản phẩm dầu tinh chế, dẫn đến doanh thu của Nga vẫn cao hơn 7,6 tỷ USD so với giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 12/2021.

Chọn giảm giá, không giảm lượng

Tuy nhiên, việc giá dầu thô Nga giảm đáng kể trong hầu hết năm 2022 đã làm giảm đáng kể thu nhập xuất khẩu của nước này. Mặc dù lệnh cấm vận của EU và trần giá G7 phải đến tháng 12/2022 mới được thực hiện, Moscow đã phải chấp nhận mức giá thấp hơn để duy trì sản lượng xuất khẩu.

Ước tính chênh lệch ngày càng lớn giữa giá dầu của Nga và dầu thô Brent, vốn lên tới trên 30 USD/thùng trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 5/2022, đã làm nước này mất hơn 30 tỷ USD.

Về cơ bản, hai thị trường khác nhau đã xuất hiện đối với dầu thô của Nga. Việc mất châu Âu - thị trường xuất khẩu dầu thô quan trọng nhất của Nga đã giải phóng năng lực tại các cảng, chủ yếu ở Biển Baltic, nơi có vị trí địa lý không phù hợp để xuất khẩu sang các khách hàng mới như Ấn Độ. Để tăng khối lượng xuất khẩu, Moscow dường như đang giảm giá mạnh tại thị trường này.

Chẳng hạn, sau khi có lệnh cấm vận từ EU, người mua Ấn Độ trả ít hơn khoảng 17 USD/thùng cho các lô hàng dầu thô ở Biển Baltic so với người châu Âu.

“Lách” giá trần?

Tuy nhiên, dường như thông tin cho rằng Trung Quốc đang được giảm giá mạnh khi mua dầu thô của Nga là không chính xác. Dựa trên các báo cáo của hải quan của Nga, trên thực tế, trung bình các nhà nhập khẩu của quốc gia Đông Bắc Á phải trả 84 USD/thùng dầu, ngang bằng với giá thế giới.

Theo tính toán, Nga đang bán dầu thô với giá trên mức trần của G7 là 60 USD/thùng và mức chiết khấu so với dầu Brent đã thu hẹp vào cuối năm (từ 30 USD/thùng ở mức cao nhất vào cuối mùa Xuân xuống khoảng 7 USD/thùng vào tháng 12/2022).

Hiệu quả của lệnh áp giá trần đối với dầu thô của Nga còn nhiều tranh cãi. Vì giới hạn giá được đưa ra trùng với thời điểm lệnh cấm vận của EU có hiệu lực nên khó phân biệt tác động của cả hai.

Hầu hết các nhà quan sát tin rằng lệnh cấm vận là động lực chính đằng sau sự phát triển của thị trường dầu hiện tại. Tuy nhiên, lệnh áp giá trần cũng đóng vai trò quan trọng, miễn là có sự thực thi và tuân thủ nghiêm ngặt.

Nghiên cứu cho thấy, một lệnh cấm vận sớm hơn hoặc trần giá dầu thô sớm hơn có thể làm giảm đáng kể thu nhập xuất khẩu của Nga vào năm 2022 và do đó, ảnh hưởng đến doanh thu tài chính của nước này. Theo tính toán, nếu EU áp dụng lệnh cấm vận ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, có thể làm giảm 46 tỷ USD doanh thu xuất khẩu dầu thô của Nga, tương đương khoảng một phần ba tổng số. Nếu lệnh cấm vận có hiệu lực sau khi gói trừng phạt thứ sáu của EU (tháng 7/2022), thì con số trên sẽ rơi vào khoảng 25 tỷ USD.

Đối với các sản phẩm dầu tinh chế, bất kỳ sự chuyển hướng xuất khẩu nào sau lệnh cấm vận của EU, có hiệu lực từ ngày 5/2/2023, sẽ là một thách thức với Moscow. Các quốc gia hiện chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu dầu thô của Nga, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, đóng một vai trò nhỏ hơn nhiều đối với các sản phẩm dầu tinh chế vì tất cả các nước này đều có ngành lọc dầu phát triển.

Trên thực tế, có vẻ như các quốc gia cấm sản phẩm dầu tinh chế của Nga đang mua ngày càng nhiều mặt hàng này thông qua những nơi như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước đã tăng cường nhập khẩu dầu thô của Nga.

Hơn nữa, một phần đáng kể dầu thô của Nga đã và đang được bán cao hơn mức giá trần 60 USD/thùng.

Sau khi bị cấm vận dầu, Nga sẵn sàng chấp nhận mức giá thấp hơn và khó có thể cắt giảm khối lượng miễn là mức trần giá vẫn cao hơn chi phí sản xuất.

Tàu chở dầu Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Getty)

Dầu thô Nga vẫn đắt hàng

Theo dữ liệu do Reuters công bố hôm 21/4, các công ty dầu mỏ Trung Quốc đang mua thêm dầu thô của Nga. Thống kê cho thấy, trong tháng 3/2023, tổng lượng dầu thô nền kinh tế số 1 châu Á nhập từ Nga đã tăng lên mức kỷ lục 9,61 triệu tấn, tương đương 2,26 triệu thùng mỗi ngày.

Ngoài ra, trong tháng 4 này, riêng lượng dầu Urals Moscow xuất sang quốc gia Đông Bắc Á cũng đang trên đà phá vỡ kỷ lục của tháng 3 khi nhiều nhà máy lọc dầu bắt đầu mua dầu thô từ vùng Baltic. Ước tính, mỗi ngày Nga chuyển khoảng 700.000 thùng dầu Urals sang Trung Quốc, tăng hơn 100.000 thùng/ngày so với tháng 3.

Trong khi đó, tờ The Independent dẫn báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch của Phần Lan (CREA) cho biết, EU vẫn là nhà nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ lớn nhất từ Nga, bất chấp lệnh trừng phạt khối này áp đặt lên Moscow.

Theo đó, EU đã gián tiếp nhập khẩu dầu Nga từ các quốc gia trung gian, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Singapore.

Lượng dầu thô 5 quốc gia trên nhập từ Nga đã tăng hơn 140% về khối lượng so với thời điểm trước xung đột Ukraine, với tổng giá trị nhập khẩu tăng lên 74,8 tỷ Euro. Xuất khẩu dâu thô từ các nước này sang phương Tây đã tăng 80% về giá trị và 26% về khối lượng.

Theo CREA, EU, G7 và Australia đã “thất bại trong việc hạ giá trần xuống mức có thể thực sự ngăn cản lợi nhuận lớn của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ”.

Cho tới nay, dù bị phương Tây áp lệnh cấm vận và trần giá, Nga vẫn giữ được “phong độ” xuất khẩu dầu, chuyển hướng dòng "vàng đen" sang các thị trường thay thế, phần nào “né” được trừng phạt. Những nỗ lực của Moscow đã phát huy tác dụng. Và như đã nói ở trên, sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả của các lệnh trừng phạt dồn dập từ phương Tây đối với Nga, đây vẫn sẽ là câu chuyện thu hút được sự quan tâm của dư luận.