Nhỏ Bình thường Lớn

Đau thương và khát vọng của thế hệ Hibakusha

70 năm kể từ khi Hiroshima và Nagasaki hứng chịu bom nguyên tử, sự tồn tại mạnh mẽ của các nạn nhân còn sống đã minh chứng cho ước mong hòa bình bất diệt.
Quả bom "Fat man" nổ trên bầu trời Nagasaki.

Hibakusha có nghĩa "những người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ", là khái niệm đã hình thành và được biết đến trong lòng nước Nhật suốt bảy thập kỷ kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Đây là cụm từ dùng để chỉ các nạn nhân của vụ nổ bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. Họ có thể nằm trong số người đã chết hoặc gần 200.000 người còn sống.

Nỗi đau ở phía Tây

Trong cuốn sách "Nhật ký Hiroshima" (1955), bác sĩ Michihiko Hachiya mô tả mùa Hè năm 1945, khi quân đội Nhật vẫn đang chìm trong Thế chiến thì người dân chỉ mong mỗi ngày thức dậy với sự an lành. Ngày 6/8/1945 lẽ ra cũng là một ngày như vậy. Hôm ấy, thành phố lớn nhất phía Tây đảo Honshu đón những tia nắng mặt trời ấm áp đầu tiên chiếu xuống, báo hiệu ngày mới bắt đầu.

Vừa đặt lưng nghỉ ngơi sau đêm trực dài ở bệnh viện, ông Hachiya bỗng thấy giật mình vì một ánh sáng lóe lên. "Chiếc đèn đá trong vườn bỗng sáng rực rỡ. Tôi tự hỏi, không biết ánh sáng này từ đâu. Quang cảnh tươi đẹp trước đó đã biến mất và nhường chỗ cho bụi bặm và những đống đổ nát", Hachiya viết.

Lúc ấy, đồng hồ điểm 8h15 theo giờ Hiroshima, chỉ vài giây sau khi máy bay Enola Gay của quân đội Mỹ thả quả bom nguyên tử "Little Boy" (Cậu bé) trên bầu trời trung tâm Hiroshima. Quả bom nổ cách mặt đất khoảng 550m với đương lượng nổ 13 kiloton. Bán kính bị tàn phá là 1,6 km và cháy trên diện tích 4,4 km vuông. 90% nhà cửa bị hủy diệt hoặc hư hại.

Cả Michihiko và vợ ông đều may mắn không nằm trong số 90.000 người thiệt mạng ngay lập tức. Khu vực họ sống trong thành phố có tỷ lệ tử vong 27%. Chỉ cần 0,8 km lùi vào gần trung tâm vụ nổ, tỷ lệ tử vong đã lên tới 86%. Bốn tháng sau, do nhiễm độc phóng xạ, tổng số người chết ở Hiroshima trong năm 1945 tăng lên 140 nghìn người.

Thảm họa ở miền Nam

Khi người dân Hiroshima còn bới đống đổ nát tìm xác người thân thì 11h01 ngày 9/8, bầu trời vừa kịp quang mây của phố cảng Nagasaki bị xé toang bởi quả bom nguyên tử "Fat man" (ông Béo). Bán kính vụ nổ là 1,6 km. Những đám cháy trải dài từ phần Bắc của thành phố cho đến 3,2km cách vụ nổ về phía Nam. 80.000 người trên tổng số 240.000 cư dân Nagasaki thiệt mạng ngay lập tức.

Bà Michie Hattori, 85 tuổi, khi đó là một học sinh cho biết bà và bạn bè trong lớp đã chạy tới hầm trú ẩn khi tiếng báo động vang lên. "Khi quả bom phát nổ, tất cả những màu sắc quanh tôi đột nhiên trở thành một màu trắng rực rỡ. Một cơn gió mạnh đã đánh bật người tôi vào sâu trong hang. Tiếng gào khóc, la hét vang lên. Tôi lờ mờ nhìn thấy những bộ đồng phục học sinh đang bốc cháy", Hattori chia sẻ.

Trong ký ức của ông Hirotami Yamada - một nhân chứng còn sống đến nay, khoảng một tuần trước đó, từ ngày 1/8/1945, nhiều quả bom loại thường được dội xuống phá hủy thành phố và gây thương vong khắp nơi. May mắn là do những vụ ném bom lẻ tẻ đó mà chính quyền đã sơ tán hàng chục ngàn người về nông thôn - nếu không, số nạn nhân của "Fat man" còn nhiều hơn nữa.

Những Hibakusha như ông Yamada sẽ không thể quên thành phố cảng lớn nhất miền Nam Nhật Bản vật lộn thế nào sau thảm họa. Xác người không nguyên vẹn la liệt khắp nơi. Các bệnh viện không đủ chỗ cho người bị thương.

Yamada cùng mẹ hỏa thiêu chị gái qua đời vì vết thương quá nặng. Cuối năm 1945, mẹ ông mất, một ngày sau đó là anh trai. Năm 1961, đến lượt cha rời xa ông vì căn bệnh mà chính Yamada đang đối mặt hiện nay - ung thư phổi. Không ai kết luận liệu phổi của ông có chịu hậu quả của bom nguyên tử hay không, chỉ biết rằng Yamada đã mất đi nhiều bạn bè, người thân với lý do tương tự từ sau thảm họa ấy.

Khát vọng của thế hệ Hibakusha

Cũng giống như bác sĩ Hachiya, sáng 6/8/1945, bà Yukiko Nakabushi - khi đó vừa tròn năm tuổi, đang ngồi lặng lẽ ở cửa đợi bạn đến trường mẫu giáo ở Hiroshima như mọi ngày. Bạn cô đã không đến mà chỉ có thứ ánh sáng kinh khủng của quả bom. Cô bé bất tỉnh sau khi được ông bà ngoại cứu. Nhưng mẹ của Nakabushi thì không may mắn như vậy. Dù toàn thân bỏng rát nhưng bà đã cố gắng chạy về nhà nhìn mặt con gái và ra đi.

 

Bà Yukiko Nakabushi - một nạn nhân còn sống sau 70 năm.


Sau một thời gian chữa trị, để quên đau thương, Nakabushi chuyển đến sống ở ngoại ô Tokyo. Bà là người may mắn khi tiếp tục được sống bên cha, lấy chồng và sinh ra ba người con. Nhưng hầu hết những Hibakusha còn sống khác thì không hạnh phúc như vậy. Cuộc chiến để tiếp tục sinh tồn còn khó khăn hơn cả thời điểm họ giành giật sự sống khi hai quả bom được ném xuống.

Không chỉ là những chấn thương bên ngoài, rất nhiều Hibakusha phải đối diện với sự suy nhược nòi giống, sống cách ly do mang trong mình phóng xạ. Có những phụ nữ nói không với hôn nhân và thiên chức làm mẹ hoặc không sinh được những em bé lành lặn. Nhiều năm sau cuộc chiến, rất đông những người như họ không dám thừa nhận mình là Hibakusha.

Khoảng 200.000 người được Chính phủ Nhật Bản công nhận là "Hibakusha" như ông Yamada và bà Nakabushi. Họ được phát thẻ, theo dõi sức khỏe và cung cấp dịch vụ an sinh đến cuối đời. Kỷ niệm càng đau đớn thì họ lại càng nỗ lực vì hòa bình, phản đối chiến tranh hạt nhân và chống lại sự kỳ thị.

Không muốn con cái bị bắt nạt khi người ta vẫn ngại tiếp xúc với thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra từ những gia đình nạn nhân của vụ ném bom, bà Nakabushi tham gia vào các hội đoàn phản chiến, bắt đầu hành trình nói chuyện với trẻ em trên khắp Nhật Bản về những trải nghiệm của mình, làm nổi bật những hậu quả của chiến tranh và vũ khí hạt nhân.

Lúc đầu, tuy có phần miễn cưỡng vì muốn quên đi ký ức nhưng Nakabushi tự thấy mình có trách nhiệm với những người đã chết và rất nhiều người khác đang tồn tại một cách khó khăn. "Khán giả nói với tôi rằng quan điểm của họ về cuộc chiến đã hoàn toàn thay đổi sau khi nghe tôi nói. Tôi đã nói chuyện với nhiều sinh viên và thậm chí đã đến Mỹ để phát biểu", bà Nakabushi tâm sự.

Thật dễ hiểu khi nhiều người Nhật Bản, trong đó có các Hibakusha quan ngại việc Chính phủ đương nhiệm nỗ lực trở thành đối tác quân sự tích cực hơn với Mỹ hoặc mở rộng năng lực chiến tranh. Ông Tomihisa Taue, Thị trưởng thành phố Nagasaki cho biết rất thấu hiểu tâm trạng đó của người dân nhưng tin tưởng nỗ lực của Chính quyền trung ương vì hòa bình đất nước. Giáo sư Yasuaki Onuma (Đại học Luật Meiji) phân tích: "Người ta cảm thấy rất ăn năn và hối hận khi phải hy sinh mạng sống nhiều người trong chiến tranh để đảm bảo cho nền hòa bình và phát triển kinh tế Nhật Bản. Cảm giác này đã từng là nền tảng cho sự thịnh vượng và thái bình của Nhật Bản sau chiến tranh".

Thế giới vẫn đang tranh cãi về trách nhiệm của mỗi bên dẫn tới hành động hủy diệt cả cộng đồng người bằng bom nguyên tử. Còn thế hệ Hibakusha vẫn hiện diện mạnh mẽ sau những vết thương thể xác và tinh thần dai dẳng suốt bảy mươi năm. Chúng nhắc nhở chúng ta về giá trị của quý báu và mỏng manh của hòa bình.

56% người Mỹ tin rằng sử dụng vũ khí hạt nhân là thỏa đáng nhằm kết thúc chiến tranh, còn 34% phản đối. Tại Nhật Bản, chỉ 14% nói việc thả bom là chấp nhận được, trong khi số phản đối là 79%. (Trung tâm Nghiên cứu Pew, Mỹ)


 

"Tôi mong không ai trên thế giới này phải trải qua một thảm họa như thế. Chiến tranh có những nạn nhân vô tội ở cả hai bên. Hòa bình là điều hạnh phúc nhất và quý giá nhất đối với loài người". (Nạn nhân Yukiko Nakabushi).

"Little Boy" và "Fat man" là kết quả của Dự án nghiên cứu phát triển bom nguyên tử Manhattan trị giá 2 tỷ USD (tương đương 26 tỷ usd năm 2015) dưới thời Tổng thống Mỹ Truman với hơn 130.000 chuyên gia, nhân viên tham gia làm việc, trong đó có 17 nhà vật lý từng được trao giải Nobel.



Nguyên Dũng
(tổng hợp)