📞

Dấu xưa hoành tráng Lam Kinh

19:00 | 01/05/2016
Khu di tích Lam Kinh có ý nghĩa rất lớn về du lịch và giáo dục lòng tự hào dân tộc...

Ấn tượng về phế tích của một cung điện huy hoàng thời Hậu Lê làm chúng tôi nhớ mãi, sau một lần về thăm khu di tích lịch sử Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). 

Lam Kinh gắn liền với sự thăng trầm của hơn 300 năm triều Hậu Lê (1428-1788).

Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của người anh hùng áo vải Lê Lợi, người có công quy tụ nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược từ năm 1418 đến 1427. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế (lịch sử gọi là Lê Thái Tổ), lấy niên hiệu là Thuận Thiên thứ nhất, lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước Đại Việt. 

Năm 1430, Lê Lợi đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh. Kể từ khi Lê Lợi lên ngôi, các công trình kiến trúc bắt đầu được xây dựng tại Lam Kinh, làm nơi tập trung lăng mộ của các vua Lê, đồng thời là nơi nghỉ chân của nhà vua khi về cúng bái tổ tiên. 

Đến năm 1962, nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2012, khu di tích Lam Kinh được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Quang cảnh lễ hội L:am Kinh.

Kiến trúc 

Mặt bằng khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng khoảng 30ha, phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương. Các công trình kiến trúc được bố trí theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đồi có hình dáng chữ “vương”, bao gồm:

Ngọ môn Lam Kinh có kiến trúc quy mô với 3 gian và 3 cửa ra vào, trước cổng có 2 tượng nghê đá đứng canh. 

Sân rồng Lam Kinh với diện tích lớn nhất trong khu di tích Lam Kinh, có 3 lối đi lên chính điện theo bậc thềm rồng.

Chính điện Lam Kinh được bố trí theo hình chữ “công” gồm 3 tòa điện lớn xây trên nền đất rộng, là Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Kiến trúc ba toà chính điện Lam Kinh có giá trị đặc biệt quan trọng về nghệ thuật kiến trúc thời Lê Sơ. Đây là công trình kiến trúc gỗ quy mô, với hàng cột cái của cả 3 điện có đường kính đến 62cm. Vĩnh Lăng (lăng vua Lê Thái Tổ) được xây dựng trên một nền bằng phẳng với thế đất đẹp, phía trước có minh đường rộng rãi, hai bên có 2 dãy núi tạo thế “rồng chầu hổ phục”. Trước lăng có 2 tượng quan hầu và 4 đôi tượng thú đá (2 nghê, 2 ngựa, 2 tê giác, 2 hổ) cùng chầu vào đường “thần đạo” của lăng để trấn trạch. Tổng thể bố cục, phong cách mai táng của Vĩnh Lăng Lam Kinh giản dị và tôn nghiêm.

Bia Vĩnh Lăng được làm bằng đá trầm tích nguyên khối, đặt trên lưng rùa đá. Nội dung văn bia do Nguyễn Trãi soạn, ghi lại thân thế, sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ. 

Lễ hội 

Lễ hội Lam Kinh bắt đầu từ khi vua Lê Thái Tổ băng hà và được đưa về an táng tại Lam Kinh năm 1433. Ngày nay, cứ đến ngày 21 (giỗ Lê Lai) và 22 (giỗ Lê Lợi) tháng 8 âm lịch hàng năm, nhân dân trong vùng lại long trọng tổ chức lễ hội Lam Kinh để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân.

Lam Kinh đã được Nhà nước xếp hạng "Di tích lịch sử đặc biệt quan trọng" và đang được tiếp tục trùng tu, bảo tồn để trở thành một trung tâm lịch sử - văn hóa - lễ hội truyền thống, và là một điểm du lịch quan trọng của xứ Thanh.