📞

Đẩy mạnh giáo dục để giải quyết vấn nạn bất bình đẳng giới

08:15 | 14/01/2017
Ngày 13/1, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình chiếu phim tài liệu India’s Daughter (tạm dịch: Người con gái Ấn Độ) và tọa đàm với đạo diễn của bộ phim về vấn nạn bạo lực giới.

Sự kiện do Trung tâm Hoa Kỳ (Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội) tổ chức, với sự tham dự của đạo diễn người Anh gốc Israel Leslee Udwin.

Tham gia thảo luận còn có ông Bruce Knotts (Văn phòng Liên hợp quốc tại Việt Nam), ông Trần Kim Tự (Bộ Giáo dục và Đào tạo), bà Shoko Ishikawa (Trưởng đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc tại Việt Nam) và bà Nguyễn Thu Thúy - Phó Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA).

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: MH)

Buổi thảo luận diễn ra với nội dung trọng tâm là giáo dục có vai trò như thế nào trong việc chấm dứt mọi hình thức bạo lực trong xã hội và nâng cao vị thế của phụ nữ, cũng như trẻ em gái để họ có thể trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai.

Tại buổi thảo luận, ông Bruce Knotts (Văn phòng Liên hợp quốc) nhấn mạnh: “Chúng ta cần học cách nhìn nhận người khác bình đẳng như với chính bản thân chúng ta. Bên cạnh đó, chúng ta cần thúc đẩy giáo dục vì sự bình đẳng, vì sự hòa nhập và vì sự đa dạng trong khác biệt”.

Theo ông Knotts, Việt Nam vốn có truyền thống tôn trọng quyền bình đẳng giữa nam và nữ, dù ở miền Nam hay miền Bắc, dù là người sống ở thành thị hay nông thôn. Ông cho rằng, điều này thực sự đáng ngưỡng mộ.

Tham gia thảo luận, ông Trần Kim Tự cho rằng, thông qua bộ phim, khán giả Việt Nam sẽ hiểu hơn về cách xử lý vấn đề bất bình đẳng giới trong xã hội Ấn Độ. Theo ông, bộ phim đã cất lên tiếng nói tố cáo mạnh mẽ về sự bất công hiện nay đối với phụ nữ, khiến người xem cảm thấy họ cần làm gì đó thực tế để giải quyết tình trạng này.

Poster phim India’s Daughter (Người con gái Ấn Độ).

Chính vì vậy, theo ông Trần Kim Tự, để giải quyết vấn đề này rõ ràng cần có một nền giáo dục tốt hơn và Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy điều này. “Chúng ta không chỉ thiên về giáo dục kiến thức mà còn cần giáo dục kỹ năng, giáo dục cảm xúc để những giá trị nhân văn được trân trọng hơn”, ông nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Thúy, Phó Giám Đốc CSAGA chia sẻ số liệu nghiên cứu của quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục thống kê và Liên hợp quốc công bố. Theo đó, có tới 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực họ phải chịu đựng.

Khán giả tham dự buổi chiếu phim và tọa đàm. (Ảnh: MH)

“Hiện chưa có số liệu chính xác về quấy rối và lạm dụng tình dục ở Việt Nam, cũng như về bạo lực tình dục, song số liệu từ các nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy 85% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; gần 30% gái mại dâm cho biết họ đã từng là nạn nhân của bạo lực tình dục và 22 % đã bị cưỡng ép tình dục; 10% phụ nữ có chồng đã bị bạo lực tình dục từ chồng mình”, bà Nguyễn Thu Thúy cho biết.

Theo các diễn giả tham gia thảo luận, điểm cốt lõi của vấn đề nêu ra trong bộ phim chính là sự thiếu hiểu biết, coi thường giá trị của người phụ nữ và sự đói nghèo đã dẫn đến hậu quả đáng buồn. Vì vậy, cách giải quyết gốc rễ vấn đề chính là việc giáo dục, tuyên truyền mạnh mẽ về giá trị, vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề tốt hơn để mọi người dân trong xã hội có cuộc sống khá hơn, từ đó nâng cao nhận thức và các hành vi sẽ thay đổi theo hướng văn minh hơn.