📞

Đẩy mạnh hợp tác thương mại bền vững giữa Việt Nam – Thụy Điển

16:53 | 13/11/2014
Sáng ngày 13/11, tại Trụ sở Bộ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có buổi tiếp ông Jonas Hafstrom, Cố vấn Cấp cao về Xúc tiến thương mại Thụy Điển, nhân dịp ông có chuyến công tác đến Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp ông Jonas Hafstrom, Cố vấn Cấp cao về Xúc tiến thương mại Thụy Điển. (Ảnh: Quang Hòa)

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, trong nhiều năm qua, Việt Nam và Thụy Điển có mối quan hệ hợp tác song phương mạnh mẽ và gắn bó ở hầu hết các lĩnh vực, trên nhiều cấp độ. Năm 1969, Thụy Điển là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta và trong những năm sau đó đã cung cấp nhiều khoản viện trợ quý báu cho Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, hiện nay hai nước đang bước sang một chương mới trong quan hệ hợp tác song phương, nhấn mạnh vào lợi ích chung giữa các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các viện nghiên cứu, các cơ quan chính phủ và công ty tư nhân.

Tuy nhiều doanh nghiệp Thụy Điển đã có mặt tại Việt Nam từ lâu đồng thời Thụy Điển là đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Việt Nam ở khu vực Scandinavia (gồm Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan) song kim ngạch thương mại song phương vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu và tiềm năng của hai nước. Vì vậy, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị, Việt Nam và Thụy Điển cần đóng vai trò tích cực trong việc kết nối các doanh nghiệp của hai nước, tạo dựng một nền tảng chắc chắn cho hợp tác thương mại bền vững.

Theo đó, nhằm đạt được Chiến lược Phát triển Xanh vào năm 2020, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam mong muốn tiếp thu các công nghệ xanh, sạch từ phía Thụy Điển. Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh chính sách khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp Thụy Điển. Đồng thời, hai nước sẽ nghiên cứu tổ chức các hoạt động thúc đẩy thương mại song phương như các hội chợ, hội thảo.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ mong muốn rằng, công nghệ sáng tạo và giải pháp phát triển bền vững sẽ trở thành biểu tượng của quan hệ hợp tác hiện đại và hiệu quả giữa Việt Nam–Thụy Điển trong giai đoạn hiện nay.

Trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Việt Nam và Thụy Điển cần tiếp tục trao đổi các đoàn các cấp. Bên cạnh đó, hợp tác song phương trên các lĩnh vực khác như giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Ngoài ra, hai nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)...

Về phía Thụy Điển, ông Jonas Hafstrom đánh giá cao quan hệ hợp tác gắn bó, hữu nghị giữa Việt Nam và Thụy Điển trong những năm qua. Ông Hafstrom cũng hoan nghênh việc hai nước đang triển khai nhiều hoạt động trong dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tiêu biểu như triển lãm “Sáng tạo Thụy Điển” đang diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Hafstrom cho biết, Thụy Điển hiện được đánh giá là một trong những nước có nền công nghiệp sáng tạo và thương mại bền vững hàng đầu thế giới. Ông cho rằng, tuy có thể mất nhiều thời gian song việc Việt Nam chọn con đường phát triển theo hướng sáng tạo, đổi mới, bền vững là hướng đi đúng đắn. Về lĩnh vực này, ông Hafstrom khẳng định Thụy Điển sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển giao công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực... qua đó góp phần nâng cao quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Hiện có trên 70 công ty Thụy Điển hoạt động tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Thụy Điển quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực giao thông đô thị, chăm sóc y tế, công nghệ sạch, ngân hàng và công nghệ thông tin truyền thông.

Nhiều doanh nghiệp Thụy Điển đã tạo ra những cơ hội kinh doanh bền vững từ các giải pháp quản lý chất thải sáng tạo, các hệ thống quản lý môi trường, xử lý nước và sản xuất khí sinh học biogas.

Quang Chinh