Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chủ trì phiên họp chuyên đề về công tác Ngoại giao văn hoá và Thông tin đối ngoại. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Sáng 17/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Phiên họp chuyên đề về công tác Ngoại giao văn hoá và Thông tin đối ngoại với chủ đề “Ngoại giao công chúng trong kỷ nguyên số”, phiên chuyên đề đầu tiên trong loạt các hoạt động của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ chủ trì Phiên họp.
Tham dự phiên họp có khoảng 200 đại biểu gồm đại diện một số bộ, ban, ngành cùng các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và đại diện các đơn vị trong Bộ Ngoại giao.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại là lĩnh vực công tác quan trọng không chỉ của Bộ Ngoại giao mà cả các bộ, ngành, cơ quan từ trung ương đến địa phương.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến chuyển và sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, đặc biệt là truyền thông số cũng như yêu cầu ngày càng cao của đất nước, phát huy sức mạnh mềm quốc gia thông qua triển khai công tác ngoại giao công chúng có vai trò hết sức quan trọng.
Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, cùng sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ban ngành, địa phương, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã nỗ lực vượt qua khó khăn, triển khai mạnh mẽ công tác ngoại giao văn hoá và thông tin đối ngoại; góp phần tăng cường quảng bá, tuyên truyền sâu rộng về đất nước Việt Nam năng động, đang phát triển mạnh mẽ, bền vững và ổn định, có nền văn hoá đặc sắc, là một đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.
Các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài đã góp phần quảng bá sâu rộng, tôn vinh phẩm chất, cốt cách, lý tưởng và giá trị cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao đã tích cực đổi mới, sáng tạo, tăng cường ứng dụng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 để truyền tải rộng rãi các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tuy nhiên, việc triển khai ngoại giao công chúng thời gian qua có những hạn chế, cần sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các bô, ban ngành liên quan cũng như cần có sự hỗ trợ về giải pháp truyền thông, đặc biệt là truyền thông số cho các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đưa việc triển khai công tác tuyên truyền tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào trong các chiến lược, đặc biệt là kế hoạch tuyên truyền, chương trình công tác cụ thể hàng năm của Ban chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại; các cơ quan chuyên môn hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn cán bộ...
Tại Phiên họp, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay về cách triển khai ngoại giao công chúng ở nước sở tại; những khó khăn thách thức đang đặt ra cho các Cơ quan đại diện trong triển khai công tác này tại địa bàn và đề xuất các kiến nghị cụ thể đối với Bộ Ngoại giao, các cơ quan trong nước hỗ trợ triển khai ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại ngày càng hiệu quả hơn tại địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nêu ý kiến góp ý trong việc triển khai hiệu quả công tác ngoại giao văn hoá và thông tin đối ngoại. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đã phân tích thực tiễn và xu hướng truyền thông số hiện nay và gợi mở cách thức triển khai công tác ngoại giao công chúng hiệu quả hơn nữa, trong đó có việc khơi dậy, phát huy các nguồn lực trong dân, nhất là các trang tài khoản cá nhân và kênh truyền thông có lượng người theo dõi lớn.
Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh nhấn mạnh việc cần có cách tiếp cận mới trong công tác thông tin đối ngoại, nhất là cần đặt ra mục tiêu rõ ràng, đối tượng cụ thể và nâng cao chất lượng nền tảng truyền thông đối ngoại để có thể chuyển thông tin tới đông đảo công chúng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Các tham luận và thảo luận tại Phiên họp khẳng định, tất cả các nước đều triển khai ngoại giao công chúng ứng dụng chuyển đổi số và đây là xu thế không thể đảo ngược trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Để triển khai công tác này hiệu quả cần có cách làm mới, đặc biệt là cách kể câu chuyện mới, hấp dẫn như chia sẻ của ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Những kết quả trao đổi tại Phiên họp sẽ được báo cáo lên Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và tiếp thu, cụ thể hóa trong các chương trình hành động của Bộ Ngoại giao nhằm triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hoá đến năm 2030 và Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2030”.
| Hội nghị Ngoại giao: Lịch sử và ý nghĩa Tình hình thế giới và khu vực luôn diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường, trong đó thời cơ và thách thức ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản Sáng 17/12, tại Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN và Nhật Bản dự lễ khai mạc Hội ... |
| Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt: Các đơn vị trực thuộc Học viện Ngoại giao cần phát huy vai trò ‘chủ công’, không ngừng đổi mới sáng tạo Đó là thông điệp mà Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhắn gửi các đơn vị trực thuộc Học viện Ngoại giao trong trả ... |
| Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của địa phương Trước thềm Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 diễn ra vào ngày 18/12/2023, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã chia ... |
| 150 đại biểu dự phiên họp về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân Ngày 17/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Cục ... |