Hội nghị được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Báo cáo tại hội nghị cũng như qua thảo luận của các đại biểu đều thống nhất nhận định trong bối cảnh khó khăn của năm 2016, đặc biệt việc các sự cố môi trường xảy ra hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, ngành TNMT đã có rất nhiều nỗ lực, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao, đạt được những kết quả rất quan trọng.
(Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật về TNMT đang có những chuyển hướng tích cực nhằm góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong năm 2016, đã hoàn thành xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ, trình Chính phủ 14 dự thảo nghị định, trong đó Chính phủ đã ban hành 06 nghị định; ban hành và phối hợp ban hành theo thẩm quyền 49 thông tư và thông tư liên tịch; phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh nhằm loại bỏ rào cản cho thu hút đầu tư, kinh doanh; tiếp tục rà soát chính sách, pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.
Tình trạng nợ đọng văn bản đã từng bước được khắc phục; đã hoàn thành 100% số văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được Quốc hội giao.
Đã hoàn thành cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam để các cấp, các ngành xây dựng, cập nhật quy hoạch, kế hoạch phát triển. Trình Quốc hội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các quy hoạch, chiến lược về quản lý, sử dụng tài nguyên cũng được lập đồng bộ và được rà soát cập nhật, phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.
Tài nguyên nước, đất đai, khoáng sản ngày càng được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, đóng góp đáng kể vào thu ngân sách của Nhà nước. Trong năm 2016, thu từ khoáng sản đạt trên 5.500 tỷ đồng; thu từ đất đai đạt trên 68.000 tỷ đồng, chiếm 8,07% thu ngân sách Nhà nước. Công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng, trữ lượng tài nguyên có nhiều tiến bộ; khai thác sử dụng phù hợp hơn với cơ chế thị trường.
Ngành đã có nhiều nỗ lực trong xử lý sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung và một số địa phương khác. Từ sự cố môi trường nghiêm trọng này cũng như một số sự cố môi trường khác đã xảy ra, toàn ngành TNMT đã nghiêm túc rà soát, đánh giá lại những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường và đang khẩn trương tổ chức thực hiện.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra về TNMT được tăng cường, đổi mới. Đến nay, đã sửa đổi rút ngắn từ 2 - 20 ngày đối với các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai; liên thông thủ tục với cơ quan thuế. Hoàn thành xây dựng và đang triển khai thử nghiệm hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp 15 dịch vụ công trực tuyến tại Bộ TNMT.
Trong năm 2016, toàn ngành TNMT đã tiến hành 1.816 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 6.411 tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước; xử phạt vi phạm hành chính 60,86 tỷ đồng, thu hồi 5.348,56 ha đất và 58,71 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận, biểu dương những kết quả mà ngành TNMT đã đạt được trong năm qua.
Đầu tư không theo quy hoạch dẫn đến lãng phí, thất thoát tài nguyên
Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại mà ngành TNMT cần sớm khắc phục.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, công tác xây dựng thể chế chính sách, pháp luật vẫn còn chậm, việc điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hoá chính sách còn chậm so với đòi hỏi của thực tiễn.
Công tác cải cách hành chính đã được đẩy mạnh, song tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức đối với người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các thủ tục đánh giá tác động môi trường; thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đồng tình với báo cáo của Bộ TNMT về việc hiệu quả quản lý tài nguyên đã được tăng cường, tuy nhiên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý về tình trạng lãng phí về tài nguyên, sử dụng đất đai kém hiệu quả ở một số nơi còn rất bức xúc cần sớm được khắc phục. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông, ven biển.
“Tình trạng đầu tư tự phát, phong trào, không chỉ lãng phí vốn, mà còn kéo theo tình trạng bỏ hoang đất đai, gây thất thoát rất lớn cho ngân sách”, Phó Thủ tướng nói.
Một hạn chế nữa mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành TNMT phải sớm khắc phục đó là tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm trọng; tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, gây mất trật tự, ổn định xã hội vẫn chưa được khắc phục có hiệu quả; việc triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu chưa thực sự được lồng ghép có hiệu quả trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, các địa phương.
(Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Không đầu tư những dự án không bảo đảm yêu cầu môi trường
Nói về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành TNMT trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng trước hết vẫn là hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về TNMT.
“Phải tập trung hoàn thiện thể chế. Cần rà soát để điều chỉnh bổ sung kịp thời các luật, quy định của pháp luật trong lĩnh vực TNMT, nhằm đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn nhằm tăng cường kiểm soát của Nhà nước trên các lĩnh vực TNMT đồng thời tạo môi trường để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển”, Phó Thủ tướng nói.
Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị ngành TNMT cần nghiên cứu, bổ sung Luật Đất đai để khuyến khích việc tập trung đất đai nhằm thúc đấy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trong lĩnh vực TNMT. Gắn việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với việc tái cơ cấu lại các ngành, các lĩnh vực sản xuất và gắn ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
“Để tăng cường kiểm soát của Nhà nước trong lĩnh vực TNMT, phải kiểm soát chặt chẽ công tác thực hiện quy hoạch. Chú ý thực hiện quy hoạch nhưng phải có kế hoạch thực hiện, tránh tình trạng khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, đất đai tự phát, không theo quy hoạch, không có kế hoạch, lãng phí tài nguyên”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải tăng cường công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư xây dựng.
“Kiên quyết không cho đầu tư xây dựng các dự án không bảo đảm các yêu cầu xử lý chất thải. Các dự án đầu tư xây dựng xong chỉ được đưa vào vận hành khi kiểm tra hệ thống xử lý chất thải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Đối với dự án của Formosa, yêu cầu Bộ TNMT phải kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư công nghệ sản xuất, công nghệ giám sát môi trường và công tác quản lý môi trường bảo đảm đủ điều kiện mới cho vận hành theo thiết kế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ TNMT đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực TNMT.
“Phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về công tác sử dụng đất đai, tài nguyên, xử lý nghiêm mọi vi phạm pháp luật, gây thất thoát, lãng phí. Xử lý nghiêm các cán bộ, công chức gây phiền nhiễu người dân và doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
“Tuy nhiên quá trình thanh tra, kiểm tra phải không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần tổng điều tra, rà soát phân loại các nguồn gây ô nhiễm ra sông, biển, không khí tại các đơn vị lớn; xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nhắc lại quan điểm Việt Nam cam kết mạnh mẽ để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hỗ trợ, chia sẻ để Việt Nam thực hiện tốt cam kết của mình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt lưu ý Bộ TNMT trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ kinh nghiệm, nguồn lực của các đối tác để triển khai có hiệu quả các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
“Muốn thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra, trước hết, phải nâng cao năng lực ngành TNMT, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức lại bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ với tinh thần kiến tạo, quản lý và phục vụ thay vì chỉ quản lý hành chính”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trước khi kết thúc phát biểu.