Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Xuân Tùng) |
Phát biểu tại buổi giao lưu, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya chia sẻ: "Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, có độ mở lớn, ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình hội nhập kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Dựa trên thế mạnh của hai quốc gia, các doanh nghiệp có thể cùng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng và kinh doanh giữa Việt Nam và Ấn Độ”.
Ông Sandeep Arya nhấn mạnh, đối với mỗi công ty, việc huy động nguồn vốn là điều rất quan trọng để sản xuất kinh doanh. Những hoạt động xúc tiến sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Về tình hình quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, từ khi nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ song phương ngày càng phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu.
Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 2,75 tỷ USD (2010) lên 14,36 tỷ USD (2023). Về quan hệ đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Ấn Độ có 342 dự án với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD tại nước ta. Ngoài ra, hiện các ngân hàng thương mại của hai nước đã thiết lập hơn 256 quan hệ đại lý.
Trong khuôn khổ chương trình, các diễn giả trình bày về dịch vụ ngân hàng Ấn Độ tại Việt Nam, xúc tiến xuất khẩu, đầu tư và các chính sách tín dụng cải tiến nhằm hiện thực hóa cơ hội thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Ông Sandeep Kumar Singh, Giám đốc CAMS, Ngân hàng Ấn Độ - Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện Ngân hàng Ấn Độ có hơn 5.200 chi nhánh trên thế giới, gần 53.000 nhân viên với tổng kinh doanh lên đến 1,55 tỷ USD.
Với chi nhánh tại Việt Nam, ông Sandeep Kumar Singh bày tỏ niềm lạc quan và mong muốn mở rộng phạm vi hoạt động thông qua các sản phẩm và dịch vụ mới, trở thành cầu nối doanh nghiệp giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Bà Trupti Uday Mhatre, Phó Giám đốc, Chương trình hỗ trợ thương mại, Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Ấn Độ trao đổi về xúc tiến xuất nhập khẩu. (Ảnh: Xuân Tùng) |
Bà Trupti Uday Mhatre, Phó Giám đốc, Chương trình hỗ trợ thương mại, Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Ấn Độ, khẳng định tầm quan trọng của ngân hàng Ấn Độ trong tài trợ xuất khẩu dự án theo ngoại giao kinh tế. Ngân hàng này sẽ không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, mà còn cung cấp tài chính, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư thương mại song phương.
Nhiệm vụ chính của Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Ấn Độ bao gồm cấp bảo lãnh, tái cấp vốn, khoản vay, cấp vốn hiệu quả cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng muốn tìm kiếm hợp tác giảm thiểu rủi ro, hỗ trợ tăng cường tín dụng với các công cụ thương mại, tham gia các vốn rủi ro, bảo hiểm bảo lãnh dự thầu.
Về chính sách tín dụng cải tiến, ông Rakesh Singh Rao, Trưởng đại diện (khu vực Đông Á), Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ - VPĐD tại Manila nêu lên những rủi ro chính trong thương mại xuyên biên giới, từ đó đề ra giải pháp giảm thiểu nguy cơ trong dịch vụ ngân hàng.
Ông khẳng định, Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ tự tin sẽ mở rộng mạng lưới khách hàng với hơn 22.000 điểm giao dịch tại 29 quốc gia trên thế giới, đồng thời hỗ trợ tăng cường hợp tác với các ngân hàng, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ ngân hàng với các doanh nghiệp.
Toàn cảnh buổi giao lưu giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ. (Ảnh: Xuân Tùng) |
Ngoài ra, theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, hai quốc gia khá tương đồng về trình độ và mục tiêu phát triển, đặc biệt về các phương thức hợp tác dựa trên nền tảng Cách mạng Công nghệ 4.0. Khi hai nền kinh tế hợp lại có tổng dân số khoảng 1,6 tỷ người, tiềm năng sẽ rất mạnh. Doanh nghiệp Việt Nam nên tìm kiếm cơ hội mới, không gian giá trị mới để tranh thủ tận dụng ở thời điểm hiện tại.
Qua buổi giao lưu, các đại biểu, doanh nghiệp và các bên liên quan có cơ hội trao đổi ý tưởng và hợp tác về dịch vụ ngân hàng giữa Việt Nam và Ấn Độ, góp phần thúc đẩy giải pháp nâng cao quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư song phương theo hướng bền vững hơn, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.