Trả lời câu hỏi của phóng viên về chính sách theo dõi, cách ly y tế đối với người nhập cảnh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam, các chính sách và biện pháp theo dõi, cách ly y tế cho người nhập cảnh Việt Nam luôn được Chính phủ điều chỉnh một cách linh hoạt để đảm bảo ngăn chặn sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh, hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, đồng thời phục vụ cho mục tiêu phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với một số cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Y tế để nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn về cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh, trong đó có cân nhắc tới các yếu tố như tiêm chủng, thời gian lưu trú tại Việt Nam, mục đích nhập cảnh và diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế để có thể áp dụng các biện pháp và chế độ cách ly phù hợp nhất.
Về câu hỏi liên quan tới các đối tượng tiêm vaccine, trong đó có người nước ngoài, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Nghị quyết 21 của Chính phủ ngày 26/2 về việc mua và sử dụng vaccine Covid-19 đã xác định 9 nhóm ưu tiên được tiêm, trong đó chú trọng ưu tiên đến các đối tượng ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh và một số đối tượng khác như người cao tuổi...
Theo đó, Chính phủ rất quan tâm tới cộng đồng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Cho đến nay, Việt Nam đã đàm phán thành công với một số đối tác, ví dụ như Astra Zeneca, Pfizer/BioNTech, COVAX Facility để cung cấp vaccine Covid-19 cho Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam cũng đang tiếp tục nỗ lực trao đổi với các quốc gia và đối tác khác để đa dạng hóa nguồn cung cấp vaccine Covid-19, sớm mở rộng, tiến tới bao phủ tối đa các đối tượng được tiêm vaccine.