Nhật Bản thường xuyên tiêu thụ lượng cá ngừ sống khổng lồ cho món sushi truyền thống. Mỗi năm, nước này tiêu thụ khoảng 600.000 tấn cá ngừ đại dương, trong đó có 300.000 tấn phải nhập từ nước ngoài với khoảng 100.000 tấn là cá tươi, còn lại là cá cấp đông.
Năm 2014, lần đầu tiên, những con cá ngừ đại dương được ngư dân tỉnh Bình Định đánh bắt theo công nghệ hợp tác với Nhật đã có mặt tại Trung tâm đấu giá hải sản Nhật Bản và được chấp nhận.
Thay đổi cách làm
Có thể nói, Bình Định là một tỉnh có thế mạnh về kinh tế biển, đặc biệt là nghề khai thác cá ngừ đại dương. Trước đó, mặc dù sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ngày một lớn, nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Nguyên nhân là do ngư dân chủ yếu khai thác bằng các nghề câu truyền thống, thời gian bám biển dài ngày, phương thức bảo quản sản phẩm chưa tốt nên tỷ lệ cá ngừ đại dương khai thác phục vụ xuất khẩu không đáng kể.
Để thay đổi cách làm cũ của ngư dân, UBND tỉnh Bình Định đã hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với phía Nhật Bản, cung cấp nguồn cá ngừ đại dương được đánh bắt theo chuỗi mô hình thí điểm theo công nghệ mới do Nhật Bản chuyển giao.
Đồng thời, tỉnh cũng triển khai thực hiện Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Dự án chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật Bản để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương tỉnh Bình Định (từ 9/2015 đến 4/2017).
Tập đoàn Kato (Nhật Bản), đơn vị hợp tác để hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ đại dương của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đã hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ và quy trình kỹ thuật từ khai thác, bảo quản, đánh giá chất lượng và thị trường xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản cho cán bộ kỹ thuật và thuyền viên của tỉnh Bình Định.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cho biết, Tỉnh đã phê duyệt thành lập đội tàu tham gia dự án với 25 tàu cá đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Các tàu được lắp đặt 25 bộ câu máy do Tập đoàn tài trợ, đồng thời chuyên gia Tập đoàn cũng tập huấn cho 130 ngư dân của các tàu cá này.
Ngư dân Bình Định đưa cá ngừ từ khoang tàu lên bờ ở cảng biển Quy Nhơn. (Ảnh: Minh Hoàng) |
Từ tháng 1- 4 vừa qua, đội tàu gồm 23 chiếc đã vươn khơi khai thác được 2.477 con cá ngừ đại dương, đạt hơn 101 tấn; trong đó số cá được kiểm tra đánh giá có thể xuất khẩu sang Nhật Bản là 712 con, tương đương hơn 29 tấn. Nhưng cuối cùng chỉ xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản được 28 con, tương đương hơn 1,2 tấn. Ngoài ra, trong chuyến biển tháng 3/2016, Công ty cổ phần Thuỷ sản Bình Định (Bidifisco) đã xuất thử 10 kg mẫu hàng cá ngừ tươi ở dạng Loin (khoảng 3-5 kg/loin), bước đầu được thị trường Nhật Bản chấp nhận.
Tiềm năng lớn nhưng chưa sẵn sàng
Giá cá ngừ đại dương Bình Định được đưa sang bán đấu giá tại Nhật Bản khá cao, tương dương với cá của nhiều nước trong khu vực, với giá dao động từ 950-1.600 Yen/kg (tương đương từ 190.000 - 320.000 đồng/kg). Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu và chưa đạt được như mong muốn.
Theo một số chủ tàu tham gia dự án, ngư dân chưa quen với thiết bị, kỹ thuật khai thác và công nghệ bảo quản mới để khai thác, bảo quản cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản. Với kỹ thuật của Nhật Bản, lao động ở trên tàu làm việc vất vả hơn và chi phí đá lạnh để bảo quản sản phẩm cao hơn so với tàu nằm ngoài dự án.
Hầu hết các tàu đã tuân thủ thực hiện quy trình theo hướng dẫn của dự án nhưng kết quả lượng cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản không cao. Máy thu câu được chế tạo phù hợp với tập quán của ngư dân Nhật Bản. Công nghệ sơ chế, bảo quản cá của Nhật Bản áp dụng tại tàu cá Việt Nam còn nhiều khác biệt về ngư trường, nhiệt độ nước biển, thời gian bảo quản.
Theo đánh giá của chuyên gia Nhật Bản, chất lượng cá ngừ khai thác tại Việt Nam nhìn bên ngoài màu da đẹp, nhưng bên trong thịt cá có màu nhạt không phù hợp với sở thích của người tiêu dùng Nhật Bản, nên lượng cá đảm bảo xuất khẩu đi Nhật Bản chưa nhiều. Đặc biệt ngư trường khai thác tại Việt Nam là ngư trường xa bờ, hoạt động dài ngày, trong khi đó vẫn chưa có biện pháp hoặc tổ chức đưa cá vào bờ nên lượng cá phục vụ đưa đi đấu giá tại Nhật Bản chỉ có 1 lần/tháng. Chính điều này chưa tạo động lực thúc đẩy cho doanh nghiệp và ngư dân khai thác và xuất khẩu.
Cải cách để xây dựng thương hiệu riêng
Theo ông Phan Trọng Hổ, công nghệ câu cần phải điều chỉnh và cải tiến cho phù hợp với đặc điểm tàu thuyền, ngư trường khai thác tại Việt Nam. Việc cần làm là phối hợp giữa địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia Nhật Bản với ngư dân lựa chọn cá có chất lượng tốt để xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản. Cùng với đó tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc áp dụng kỹ thuật của Nhật Bản sau mỗi chuyến biển.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ địa phương trong tổ chức phương án vận chuyển cá khai thác vào bờ để đảm bảo thời gian dưới 9 ngày nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng sản lượng xuất khẩu. Hoàn thiện cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá để ngư dân có thể sử dụng dịch vụ, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và hỗ trợ ngư dân khi khai thác trên biển.
Cùng với đó là tìm hiểu và hỗ trợ địa phương trong việc nhập khẩu, chuyển giao công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương có chất lượng cao nhưng không đủ điều kiện xuất khẩu nguyên con sang Nhật Bản; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cá ngừ và hỗ trợ địa phương xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương Bình Định; Có cơ chế để hỗ trợ tỉnh nhân rộng, phổ biến thực hiện khai thác, sơ chế và bảo quản cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản.