📞

Để dòng vốn FDI không đổi chiều

15:45 | 04/12/2023
Cùng với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, Việt Nam sẽ thành lập một quỹ hỗ trợ đầu tư để khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia. Đây là giải pháp quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài không đổi chiều.

Việt Nam sẽ thành lập một quỹ hỗ trợ đầu tư để khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia. Đây là giải pháp quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài không đổi chiều. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Thực hiện lời hứa với nhà đầu tư

Cuối cùng, nỗi băn khoăn, sốt ruột của các nhà đầu tư nước ngoài đã được giải đáp bằng việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu ngay trước phiên bế mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Việt Nam sẽ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu và áp mức thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) 15% kể từ năm 2024.

Và điều quan trọng hơn, trong Nghị quyết của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã đồng ý về chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành.

Điều này có nghĩa, song song với thu thuế bổ sung, Việt Nam sẽ thực hiện các chính sách ưu đãi bổ sung để giữ chân và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các “ông lớn”.

Như vậy, Chính phủ đã giữ đúng lời hứa với các nhà đầu tư nước ngoài. Hồi đầu năm, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), cộng đồng nhà đầu tư đã có nhiều kiến nghị về vấn đề thực thi thuế tối thiểu toàn cầu. Điều họ muốn biết là một thông điệp rõ ràng và những phản ứng chính sách của Chính phủ Việt Nam liên quan đến việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu.

Thời điểm đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp về thuế tối thiểu toàn cầu, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam, nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.

Thông điệp tương tự cũng nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng, Việt Nam sẽ chuẩn bị sẵn các “gói” chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng trong năm 2023, nhằm tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư và hài hòa lợi ích của các bên.

Và nay, lời hứa đó đã được thực hiện. Dù hiện tại, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là trong xây dựng Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, song bước đi nhanh chóng của Chính phủ, của Quốc hội Việt Nam có thể nói sẽ góp phần quan trọng tạo dựng lòng tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Giữ vốn không đổi chiều

Hồi đầu năm, khi thảo luận về vấn đề này, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó tổng giám đốc Canon Việt Nam cho biết, một trong những lý do khiến Canon đầu tư sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam chính là được hưởng ưu đãi thuế. Bởi thế, nếu Việt Nam không có đối sách kịp thời đối với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thì rất có thể, Tập đoàn sẽ xem xét việc phân bổ sản xuất sang cứ điểm khác có lợi thế cạnh tranh hơn.

Và không chỉ là Canon, nhiều “ông lớn” khác cũng đã nhắc đến chuyện nếu thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi, thì năng lực cạnh tranh của họ ở Việt Nam sẽ bị giảm sút. Và điều này có thể dẫn tới việc có những khoản đầu tư được tập đoàn mẹ rút khỏi Việt Nam.

Một cách rất rõ ràng, nếu các biện pháp ưu đãi đầu tư bị “vô hiệu hóa”, trong khi các quốc gia khác sẵn sàng có các biện pháp ưu đãi bổ sung, ví dụ bằng tiền, Việt Nam sẽ “hụt hơi” không chỉ trong cạnh tranh thu hút đầu tư mới, mà câu chuyện mở rộng đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí, nguy cơ dịch chuyển sản xuất sang nước khác không phải là không thể xảy ra.

Bởi vậy, để giữ chân và tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, để vốn không đổi dòng, thì cần nhanh chóng xây dựng Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Cùng với đó, như Nghị quyết của Quốc hội, cần rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Thực tế, ngay trước khi Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu được thông qua, khi báo cáo giải trình, làm rõ, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, hiện Chính phủ chưa đánh giá tổng thể về hệ thống ưu đãi, khuyến khích đầu tư, bao gồm các ưu đãi qua thuế thu nhập doanh nghiệp, các biện pháp phi thuế để xây dựng phương án thay thế sau khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.

Cùng với đó, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chưa được sửa đổi và điều này sẽ ảnh hưởng tới các nhà đầu tư mới. Bởi vậy, về lâu dài, biện pháp cần thực hiện là nhanh chóng sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ đầu tư mới, thay thế cho các ưu đãi thuế không còn hiệu quả để nhà đầu tư yên tâm về môi trường đầu tư tại Việt Nam; qua đó vừa thu hút được các nhà đầu tư lớn, chiến lược, vừa hỗ trợ được cả các doanh nghiệp trong nước.

Ở góc độ khác, chuyên gia Trần Hoàng Ngân cho rằng, ngoài việc xem xét ưu đãi bổ sung, gồm cả ưu đãi về tài chính, để thu hút và giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, cần tiếp tục đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quốc gia; hỗ trợ đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế xanh; hỗ trợ, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính. Đây là những vấn đề được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.

(theo Báo Đầu tư)