Đối với De Heus, tiềm năng thị trường Halal rất rộng lớn với dân số dự báo đạt 2,18 tỷ người vào năm 2030 chiếm khoảng 30% dân số thế giới. Quy mô thị trường dự báo sẽ đạt mức tối đa 3,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025, và tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 6,2%, không chỉ khu vực Trung Đông mà cả Nam Á, Tây Á, châu Phi, hay một số nước khu vực Đông Nam Á.
Đây là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm nông sản và các chăn nuôi của Việt Nam, mở ra cơ hội lớn về tăng trưởng kinh tế, hợp tác thương mại để các doanh nghiệp Việt tiến sâu hơn vào nền kinh tế Halal toàn cầu.
Nâng tầm hợp tác phát triển chuỗi sản phẩm Halal
Công ty TNHH De Heus Việt Nam trực thuộc Tập đoàn De Heus (Hà Lan), chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi chất lượng cao cho gia súc, gia cầm và thủy sản, hiện đang sở hữu nhiều nhà máy và hệ thống các kho trung chuyển hoạt động trên khắp cả nước. Sản lượng của De Heus đạt khoảng 3 triệu tấn thức ăn, thủy sản, gia súc, gia cầm mỗi năm.
Tập đoàn đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết, với mục tiêu mang đến giá trị tối ưu nhất cho chăn nuôi; đồng thời, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm theo hướng xanh để thúc đẩy xuất khẩu.
Nhận thấy những tiềm năng lớn từ thị trường Halal, trong nhiều năm vừa qua, De Heus đã sớm xây dựng kế hoạch để đẩy mạnh, thúc đẩy xuất khẩu sang các quốc gia thuộc thị trường Hồi giáo.
Ngày 1/3/2024, một bước tiến mới trong việc phát triển chuỗi sản phẩm nông nghiệp tiêu chuẩn Halal đã chính thức khởi đầu khi De Heus Việt Nam “bắt tay” hợp tác liên kết với Công ty TNHH TMDV SXKD Ngọc Bích và Công ty TNHH Thế giới của Kiến thức và Kết nối.
De Heus Việt Nam “bắt tay” Công ty TNHH TMDV SXKD Ngọc Bích, Công ty TNHH Thế giới của Kiến thức và Kết nối phát triển chuỗi sản phẩm nông nghiệp tiêu chuẩn Halal. (Nguồn: De Heus Việt Nam) |
Theo thỏa thuận hợp tác này, De Heus cung cấp các sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản theo tiêu chuẩn Halal cho chuỗi Ngọc Bích – Kiến thức và Kết nối. Đồng thời, De Heus sẽ liên tục cập nhật thông tin về sản phẩm để các bên cùng tham gia có cái nhìn tổng quan và có thể điều chỉnh kế hoạch kinh doanh một cách linh hoạt.
Theo đó, Ngọc Bích thực hiện chăn nuôi theo quy trình công nghệ cao, cung cấp sản phẩm gia súc, gia cầm đạt tiêu chuẩn Halal để xuất khẩu thông qua hệ thống trang trại Ngoc Bich Halal Chicken. Bên cạnh đó, Ngọc Bích cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và kiểm tra các nhà chăn nuôi khác thực hiện theo đúng quy trình chăn nuôi, tạo ra sản phẩm đạt chuẩn Halal và là điểm thu gom sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal từ De Heus và các đối tác, để cung cấp nguyên liệu cho Kiến thức và Kết nối để xuất khẩu.
Trong quá trình hợp tác, Kiến thức và Kết nối sẽ đóng vai trò tư vấn và hướng dẫn cho các bên về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Halal. Đồng thời, Kiến thức và Kết nối sẽ quảng bá sản phẩm và kết nối thị trường xuất khẩu, giúp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế một cách hiệu quả.
Với sự hợp tác toàn diện giữa De Heus và Ngoc Bich Halal Chicken, hai bên đã cho ra đời và cung cấp thức ăn chăn nuôi được sản xuất theo quy trình chuyên biệt và dây chuyền công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm tại Hoa Kỳ (FDA), chuẩn Halal.
Hệ thống trang trại gà Ngoc Bich Halal Chicken chính thức được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Halal ngày 6/11/2023. Đây là hệ thống trại chăn nuôi gà đầu tiên ở Việt Nam được đào tạo quy trình sản xuất gà thịt chuẩn Halal và được cấp chứng nhận đạt chuẩn Halal.
Lấy nguồn thức ăn chăn nuôi sạch được đặt sản xuất theo quy trình chuyên biệt từ De Heus – Ngoc Bich Halal Chicken hướng đến tương lai bền vững cho không chỉ cộng đồng yêu thích thực phẩm sạch chuẩn Halal mà còn là những người quan tâm đến thực phẩm sạch trên toàn thế giới. Vì vậy, nguồn gốc nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi được công ty trực tiếp trồng trọt và thu hoạch từ những cánh đồng ở các nước châu Mỹ Latinh.
Việc sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao và đáp ứng trọn vẹn nhu cầu của gà thịt tiêu chuẩn Halal. Với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi chuyên biệt, kết hợp cùng sự hỗ trợ về phương pháp quản lý của De Heus, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn cao, tỷ lệ hao hụt thấp, kết quả chăn nuôi đáp ứng hoặc thậm chí vượt mục tiêu kỹ thuật của các công ty chăn nuôi.
Hệ thống trang trại gà Ngoc Bich Halal Chicken với hơn 10 trang trại lớn phủ khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ là những trại gà đầu tiên trong chuỗi gà thịt De Heus được đào tạo quy trình sản xuất gà thịt chuẩn Halal được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất gà Halal xuất khẩu đi các nước Hồi giáo. Hệ thống được phát triển đồng bộ và chuẩn hóa toàn bộ dây chuyền, cơ sở vật chất và quy trình hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất đạt chuẩn Halal.
Bên cạnh đó, các quy định về chuồng trại, mật độ chăn nuôi, các giải pháp thú y phòng bệnh, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cũng được hệ thống Ngoc Bich Chicken kết hợp chặt chẽ cùng De Heus để đảm bảo và đáp ứng đồng bộ các tiêu chuẩn khắt khe nhất của sản phẩm gà tiêu chuẩn Halal cùng sản lượng đạt năng suất cao và ổn định.
Ông Nguyễn Quang Hiếu - Giám đốc Đối ngoại De Heus Việt Nam tại Hội nghị Halal toàn quốc 2024. |
Dây chuyền quản lý và chăn nuôi gà tại hệ thống trang trại Ngoc Bich Halal Chicken được trang bị đầy đủ và đồng bộ theo tiêu chuẩn chăn nuôi quốc tế. Toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất như chiếu sáng, thông gió, hệ thống điện, nước, cung cấp thức ăn tự động, hệ thống thú y dự phòng… đều được thiết kế và lắp đặt khoa học và tân tiến theo tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo hiệu suất chăn nuôi tốt nhất và thuận lợi cho công tác giải quyết/ứng phó tức thì khi sự cố hoặc dịch bệnh xảy ra nếu có.
Ngoc Bich Halal Chicken sở hữu nhà máy giết mổ chuyên biệt chuẩn Halal với các phân khu gồm giết mổ, pha lọc, phân loại, xử lý, đóng gói sản phẩm, xử lý chất thải…và các công trình phụ trợ khác. Nhà máy giết mổ được đầu tư hệ thống dây chuyền công nghệ tự động hóa tiên tiến nhất, được giám sát vận hành sản xuất bởi các chuyên gia quốc tế theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018 & HACCP. Sản phẩm từ nhà máy giết mổ Ngọc Bích Halal Chicken đảm bảo không còn tồn dư các chất kích thích tăng trưởng; không tồn dư chất kháng sinh; không tồn dư chất tạo màu có nguồn gốc hóa học.
Nắm vững tiêu chuẩn để thúc đẩy xuất khẩu
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), mục tiêu trong phát triển chăn nuôi giai đoạn 2030-2045 của Việt Nam là theo hướng xanh để đảm bảo các tiêu chuẩn về nguồn gốc thực phẩm, an toàn thực phẩm khi xuất khẩu. Thị trường Halal là thị trường khó tính, ngoài tiêu chuẩn kỹ thuật còn có tín ngưỡng với các sản phẩm này.
Quy định Halal rất quan tâm đến nhà máy nuôi và giết mổ theo quy định của Hồi giáo, trong khâu này phải có người theo đạo Hồi thực hiện nghi lễ và tham gia vào một số khâu trong giết mổ, chế biến...Vì vậy, doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường này cần nắm vững các tiêu chuẩn kỹ thuật, yếu tố tín ngưỡng để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà phía thị trường yêu cầu.
Ông Nguyễn Quang Hiếu - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH De Heus Việt Nam cho biết, dù tiềm năng nhưng thị trường Halal là một thị trường mới đối với De Heus cũng như Việt Nam nói chung. “Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy thị trường này không quá khó nhưng lại rất khắt khe bởi yêu cầu về chất lượng sản phẩm cùng các yếu tố văn hóa, tôn giáo và tâm linh.
Tiêu chuẩn Halal cũng rất khác nhau giữa các nước, thậm chí một số nước không công nhận tiêu chuẩn của một số nước khác. Do đó, để có thể xuất khẩu đa dạng sang các thị trường, khó khăn lớn nhất sẽ là nắm bắt đầy đủ, toàn diện các tiêu chuẩn, chứng nhận phù hợp với từng khu vực, quốc gia Hồi giáo”, ông Hiếu cho hay.
Để khai thác tiềm năng xuất khẩu với thị trường Halal cho sản phẩm gia cầm Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.
Trong đó, Bộ đã có ý kiến đóng góp việc thành lập Trung tâm Halal Quốc gia đặt tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) để hỗ trợ về pháp lý, thủ tục, công nhận hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam đi các thị trường Halal.
Với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay De Heus tiếp tục xây dựng các giải pháp hướng đến xuất khẩu, như xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở khu vực Đông Nam Bộ, phối hợp với các cơ quan đàm phán các vấn đề liên quan đến thú y... để tiếp tục tìm kiếm cơ hội xuất khẩu được nhiều sản phẩm. Thời gian qua, De Heus cũng đã triển khai các giải pháp đồng bộ để đến năm 2026 sẽ xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của mình sang thị trường Hồi giáo.