📞

Để ngành công nghiệp hội nhập tốt thời TPP

11:00 | 05/03/2016
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được cho là cú hích giúp các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày... tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, chặng đường trước mắt sẽ không ít chông gai và đòi hỏi thay đổi từ phía các  doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.
TPP được cho là cú hích giúp các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam tăng trưởng. 

Đây là nhận định được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội thảo “Cơ hội và thách thức của TPP đối với ngành công nghiệp Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 1/3.

Hết thời giá rẻ

Việt Nam có định hướng rõ ràng là lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng và tăng trưởng xuất khẩu sẽ là tiêu chí, thước đo của các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua tuy có tăng trưởng ấn tượng nhưng cũng bộc lộ nhiều nhược điểm: động lực tăng trưởng xuất khẩu mới chỉ dựa vào yếu tố đầu vào giá rẻ như tài nguyên, lao động, điện nước… Những mặt hàng xuất khẩu dựa vào những yếu tố như công nghệ, chất xám để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm chiếm tỉ lệ rất thấp.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay thời gian tới, yếu tố giá rẻ sẽ không còn nữa hoặc sẽ cạn kiệt đi trong tương lai. “Yếu tố này sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nữa do bị cạnh tranh bởi các thị trường mới nổi như Myanmar, Campuchia, Lào…”, ông Hải chỉ rõ.

Thêm vào đó, theo ông Hải, tham gia vào TPP và các Hiệp định thương mại song phương và đa phương thế hệ mới, ngoài lợi thế từ việc cắt giảm lộ trình thuế quan thì những bất lợi từ hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng khắt khe hơn. Sản phẩm của Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm sản xuất của các nước có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với Việt Nam cũng như cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu giả rẻ ồ ạt vào thị trường Việt Nam do hưởng lợi từ lộ trình cắt giảm thuế quan.

Một trở ngại nữa là hiện nay các ngành công nghiệp lớn, giữ vai trò chủ đạo của Việt Nam hầu hết là những ngành có tỷ lệ gia công cao, chưa đem lại giá trị gia tăng cho ngành và nền kinh tế. Nguyên do chính là các ngành vẫn chưa chủ động về vốn, kỹ thuật, công nghệ, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Việc chưa tự chủ về nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu còn đem lại những khó khăn khi xét các tiêu chí xuất xứ phải đáp ứng để được hưởng lợi từ các FTA.

“Ví dụ quy tắc xuất xứ hai công đoạn của Nhật, Liên minh châu Âu (EU) hoặc quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi của Hoa Kỳ đối với ngành dệt may đang là trở ngại cho ngành trong việc hưởng lợi, nâng cao sức cạnh tranh khi mà ngành dệt may chưa sản xuất được vải nguyên liệu và đang phải nhập khẩu đến 70% từ nước ngoài. Trong đó trên 50% lại nhập khẩu từ Trung Quốc là nước không tham gia ký kết TPP hay FTA với EU và Nhật Bản”, ông Hải phân tích.

Vì vậy, thời gian tới, đại diện Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp như thí điểm doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ khi xuất khẩu hàng hóa; đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia đối với tất cả các thủ tục hành chính để kết nối trao đổi dữ liệu, giảm bớt giấy tờ; cấp giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet...

Doanh nghiệp vẫn “chậm lớn”

Theo TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), các FTA mà đặc biệt là TPP sẽ là nhân tố khiến Việt Nam tiếp tục thay đổi. Các hiệp định sẽ tạo ra sự dịch chuyển và cơ hội vô cùng lớn, chưa từng có để cải tổ và thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa.

Đồng thời, TPP cùng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là hai hiệp định đòi hỏi cao nhất về chất lượng, nhưng cũng là hai hiệp định tốt nhất đối với mạng sản xuất và chuỗi giá trị, gắn với đó là công nghệ, tiêu chuẩn mới. Cơ hội lớn là vậy nhưng liệu Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội mà TPP và các FTA mang lại hay không?

TS. Thành cũng chỉ ra một thực trạng đáng buồn là doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang “chậm lớn” và có  xu hướng “cá thể hoá, li ti hoá”. Nguyên do khiến Việt Nam “li ti hóa” là vấn đề quyền tài sản, vấn đề xử lý nợ xấu. Kế đến là cạnh tranh và tiếp cận công nghệ, vốn, đất đai. Cuối cùng là tinh thần học hỏi. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh còn thiếu minh bạch với chi phí giao dịch thuế, phí, lót tay quá lớn… đang khiến doanh nghiệp Việt không thể lớn, khó cạnh tranh ngay trên chính sân nhà.

“Tới đây, các hiệp định thương mại mới sẽ tạo ra môi trường tốt, minh bạch và lợi thế công bằng hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thách thức khó khăn vô cùng lớn, cái chính là phải tự tin. Nếu chưa chơi mà không tự tin thì chắc chắn sẽ thua” - ông Thành quả quyết.

PGS. TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Trên thực tế, ngành công nghiệp của chúng ta già nhưng vẫn chậm lớn. Điểm mấu chốt là chúng ta thiếu một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho khu vực tư nhân. Chúng ta quá dựa vào chính sách để hỗ trợ, xin ưu đãi mà không dựa vào thị trường để cạnh tranh. Nếu không cạnh tranh thì không thể lớn lên được.

Ông Tạ Văn Ngọ - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Khi tôi đọc các chương trong TPP thì thấy khá khó hiểu. Như vậy thì doanh nghiệp liệu có hiểu không? Tôi đề nghị Bộ Công thương chắt lọc, biên soạn thật cô đọng những điểm cơ bản của Hiệp định, đặc biệt cần cụ thể hóa những thuận lợi, khó khăn cơ bản để doanh nghiệp dễ tiếp cận.

Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Đối ngoại - Công ty TNHH General Motors Việt Nam

TPP hay các FTA là vấn đề không mới với doanh nghiệp bởi những khó khăn cũng như cơ hội đều đã được mổ xẻ khá kỹ càng, song vẫn cần một “chiếu nghỉ” để chuẩn bị kỹ càng hơn cho làn sóng hội nhập. Bởi sau hàng loạt FTA đã ký kết, sẽ có nhiều thay đổi lớn với các doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị thuộc ngành công nghiệp ô tô.