Trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Chính phủ đã tham gia báo cáo giải trình làm rõ thêm các vấn đề.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện được đánh giá là dù mới nhận nhiệm vụ 1 năm nhưng đã nỗ lực quán xuyến, điều hành nắm tình hình công việc của Bộ, ngành và thực trạng các vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý. Bộ trưởng đã chủ động nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những yếu kém thuộc lĩnh vực phục trách cũng như những tồn tại chung của ngành.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, việc trả lời một số vấn đề của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa rõ, chưa làm thỏa mãn yêu cầu của đại biểu Quốc hội nên có phần tranh luận khá sôi nổi.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Văn hóa - Thể thao - Du lịch là lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế xã hội, liên quan đến đời sống tinh thần của xã hội, con người. Thời gian qua, lĩnh vực này đã có những chuyển biến tích cực, văn hóa truyền thống của dân tộc đã được đề cao và phát huy. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đã có tiến bộ, môi trường du lịch được quan tâm đầu tư thu hút khách du lịch ngày càng tăng, đã kết hợp bảo tồn phát triển văn hóa với du lịch.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn sáng 14/6. (Nguồn: VOV.VN) |
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn những vấn đề còn tồn tại đã được đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn như công tác quản lý và cấp phép hoạt động nghệ thuật còn có những sai sót gây dư luận không tốt. Việc quản lý lễ hội còn buông lỏng dẫn đến việc bị lợi dụng để trục lợi, gây phản cảm, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Việc quản lý các công trình văn hóa, thể thao kém hiệu quả, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao tại các khu công nghiệp, đô thị, khu chế xuất chưa được coi trọng, tình trạng còn nhiều di tích bị xuống cấp.
Nhiều nhà văn hóa, thư viện thiếu trang thiết bị, đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử bị suy giảm mà chưa có giải pháp khắc phục rõ nét. Công tác quy hoạch và quản lý du lịch còn bất cập. Cơ chế chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu và tiềm năng, lợi thế. Sự phối hợp giữa các ngành trong quản lý du lịch còn kém hiệu quả.
“Những tồn tại hạn chế nêu trên đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp để khắc phục. Trong đó tập trung một số vấn đề lớn sau đây: Rà soát sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm, cấp phép biểu diễn nghệ thuật, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phù hợp với thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Cùng với đó là nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa nghệ thuật. Đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, thư viện để phát huy hiệu quả của các thiết chế này. Đồng thời có biện pháp cụ thể trong việc sử dụng có hiệu quả các công trình văn hóa thể thao, trong đó quan tâm đến việc phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường; nâng cao sức khỏe nhân dân, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thể thao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện sáng 14/6. (Nguồn: VGP) |
Rà soát hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong hoạt động tổ chức lễ hội; sớm tham mưu trình Chính phủ ban hành văn bản về quản lý và tổ chức lễ hội, nghi thức, nghi lễ tổ chức hội nghị ngay trong năm 2017.
Ngoài ra cần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các hoạt động văn hóa, đặc biệt là việc tổ chức lễ hội, hoạt động biểu diễn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực để làm tốt công tác bảo vệ, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích, di sản văn hóa, lịch sử.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh sớm triển khai Luật Du lịch sau khi được Quốc hội thông qua, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, làm tốt công tác quản lý, hướng dẫn du lịch, bảo đảm hiệu quả an ninh, an toàn. Chú trọng việc làm thẩm định phê duyệt, công bố, quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch. Tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện quy hoạch phát triển du lịch,.
“Đối với quy hoạch phát triển du lịch Bán đảo Sơn Trà, trên cơ sở cân nhắc mọi mặt, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, sớm có giải pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật và quy hoạch phát triển chung của cả nước để cử tri nhân dân Đà Nẵng và cả nước yên tâm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề xuất.
Trước đó, trong phần tranh luận với đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh) về quy hoạch bán đảo Sơn Trà, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định: “Nếu Chính phủ để cho Đà Nẵng tự quyết thì đã không có câu chuyện làm quy hoạch về Sơn Trà với số phòng 300 hay 1.600 và những dự án Đà Nẵng đã cấp phép với quy mô 5.000-7.000 sẽ phòng tiếp tục được triển khai bình thường. Chính phủ không để Đà Nẵng muốn quyết Sơn Trà thế nào cũng được. Không phải như vậy”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. (Nguồn: VGP) |
Phó Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn UBND TP. Đà Nẵng chủ động hơn trong việc tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp về Sơn Trà.
Lý do thứ nhất là vấn đề Sơn Trà cần có sự thống nhất trong đảng bộ chính quyền, và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng.
“Tất cả chúng ta đều yêu mến Sơn Trà như đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói, đều hy sinh vì nó và đều muốn bảo vệ Sơn Trà, nhân dân Đà Nẵng chắc chắn cũng như vậy. Không ai có thể nói là nhân dân Đà Nẵng không yêu mến, không hy sinh để bảo vệ Sơn Trà và nhân dân Đà Nẵng cũng có đầy đủ trí tuệ để đóng góp với chính quyền, với Chính phủ để bảo vệ Sơn Trà tốt hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Thứ hai, khi chưa có quy hoạch du lịch, UBND TP. Đà Nẵng, theo thẩm quyền của mình, đã cấp phép các dự án với nhà đầu tư phát triển du lịch ở Sơn Trà. Nhưng bây giờ có quyết định khác ảnh hưởng đến nhà đầu tư thì UBND TP. Đà Nẵng phải chủ động làm việc với các nhà đầu tư.
“Khi UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thống nhất quy hoạch phát triển du lịch ở Sơn Trà ở mức 1.600 phòng thì thành phố cũng đã chuẩn bị và có bước làm việc với các nhà đầu tư. Bây giờ chúng ta giữ quy mô ở mức nào, 300 phòng hay bao nhiêu thì Đà Nẵng cũng cần làm việc với các nhà đầu tư bởi theo pháp luật các quyết định sau khi ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp thì đều phải có giải pháp với doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng phân tích.