📞

Đề nghị Venezuela tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam

Nhất Phong 20:47 | 27/02/2024
Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn với Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Yvan Gil Pinto chiều 26/2 (giờ Thụy Sỹ), hai bên bày tò vui mừng trước những bước phát triển nhiều mặt của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam–Venezuela.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Venezuela tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam như gạo, dệt may, giày dép, điện tử… (Ảnh: Nhất Phong)

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mong muốn hai Bộ Ngoại giao cùng phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn, đặc biệt là cấp cao giữa hai nước trong năm 2024, khi hai nước kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1989-2024).

Bộ trưởng đề nghị Venezuela tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam như gạo, dệt may, giày dép, điện tử…, giải quyết vướng mắc trong các dự án hợp tác và mở rộng sang các lĩnh vực tiềm năng như an ninh lương thực.

Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Yvan Gil Pinto khẳng định Venezuela coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, đối tác quan trọng hàng đầu của Venezuela tại khu vực Đông Nam Á.

Nhất trí với Bộ trưởng về phương hướng phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới, ông Yvan Gil Pinto chia sẻ tầm quan trọng của việc thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn các cấp giữa hai nước, tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư, thúc đẩy các dự án hợp tác viễn thông, nông nghiệp, ký kết các hiệp định thương mại và đầu tư và khẳng định Venezuela luôn sẵn sàng ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn đa phương.

Tại Phiên họp cấp cao Khóa họp lần thứ 55 HĐNQ LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng có nhiều cuộc tiếp xúc ngắn với Bộ trưởng Tư pháp Morocco Abdellatif Ouahbi, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi...

Trong các hoạt động, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định lập trường chung của ASEAN và Việt Nam về giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982), bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Khóa họp lần thứ 55 của HĐNQ LHQ sẽ diễn ra từ ngày 26/2-5/4 và sẽ xem xét 10 đề mục, thảo luận về các vấn đề như quyền của người khuyết tật, quyền trẻ em, chống hận thù tôn giáo, đối thoại với các báo cáo viên đặc biệt…

Trong năm 2024, HĐNQ sẽ còn 2 Khóa họp thường kỳ, dự kiến tổ chức vào các tháng 6/7 và 9/10.

Phiên họp cấp cao của Khóa họp lần thứ 55 HĐNQ LHQ là khởi đầu năm thứ hai Việt Nam tham gia trên cương vị thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, tiếp nối năm 2023 với nhiều dấu ấn, sáng kiến được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, ủng hộ mạnh mẽ, trong đó nổi bật là Nghị quyết về Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giới thiệu tại Phiên họp cấp cao Khóa họp lần thứ 52 HĐNQ (tháng 3/2023) với 121 nước đồng bảo trợ.

Năm 2024 cũng là năm bản lề quan trọng đối với sự tham gia của Việt Nam tại HĐNQ do là lần đầu tiên ta sẽ bảo vệ Báo cáo theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của HĐNQ.