Nhiều hoạt động đã được triển khai để khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. (Nguồn: Economictimes) |
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) được phát động năm 2009, trong lúc chính người tiêu dùng Việt “thờ ơ” với hàng hóa trong nước, đã như lực đẩy giúp không ít doanh nghiệp đầu tư công nghệ máy móc, nâng cao mẫu mã và chất lượng hàng hóa chinh phục người dùng trong nước.
Chinh phục người dùng Việt
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm (2009 - 2019) thực hiện CVĐ vừa được tổ chức mới đây, đánh giá về những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, CVĐ đã tạo được niềm tin, thu hút sự quan tâm tiêu dùng hàng hóa nội của người Việt và người nước ngoài, đồng thời đề cao quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng trong giám sát, chống hàng giả hàng nhái.
Đúng vậy, 10 năm qua, các sản phẩm Việt đã tạo dựng được uy tín, chỗ đứng riêng, được người tiêu dùng trong nước ngày càng ưa chuộng. Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, hầu hết trên 80% như: Saigon Co.opmart (90 - 93%), Satra (90 - 95%), Vissan (95%), Lotte (82%), AEON (80%), chợ truyền thống trên 60%... Đây là minh chứng rõ nét cho việc hàng hóa Việt đang dần chiếm lĩnh được thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
Kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào sự phát triển của thị trường trong nước, đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Ước tính hoạt động thương mại tại thị trường trong nước hàng năm tạo ra giá trị khoảng 14 - 15% GDP, doanh thu bán lẻ và dịch vụ không ngừng tăng và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Hơn nữa, thị trường trong nước cũng hỗ trợ tích cực giải quyết việc làm với khoảng 6 - 7 triệu lao động (chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội), góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), 10 năm qua, CVĐ đã góp phần làm chuyển biến ý thức người tiêu dùng và doanh nghiệp, tạo nên diện mạo mới trên thị trường hàng hóa nội địa. Người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao chất lượng và uy tín thương hiệu hàng Việt Nam. Một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa với hàm lượng khoa học công nghệ cao trong sản phẩm.
Cùng chung nhận định, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã cơ cấu lại sản xuất, nâng cao năng lực quản trị, tiết giảm chi phí... để cạnh tranh được ngay tại “sân nhà”. Và con số 90% hàng hóa do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, được hệ thống phân phối, bán lẻ đưa vào bán tại các siêu thị lớn, khẳng định sự nỗ lực của doanh nghiệp cũng như sự thành công của CVĐ trong 10 năm qua.
Những chuyển biến tích cực đó đã góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng 10% mỗi năm.
Giải pháp mới trong thời kỳ hội nhập
Trong thời gian tới, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, điều quyết định thành công của CVĐ đòi hỏi trách nhiệm từ cả 3 phía. Nhà nước tạo môi trường pháp lý, hạ tầng, nhân lực để đảm bảo doanh nghiệp, người dân có nhiều điều kiện thuận lợi sản xuất, mua sắm; doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý, có hệ thống phân phối phù hợp với nền kinh tế, thuận lợi cho người tiêu dùng; người tiêu dùng tham gia sản xuất và tiêu dùng chính những sản phẩm trong nước sản xuất.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sớm hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả "Chiến lược phát triển thị trường trong nước" giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Do Bộ Công Thương chủ trì, gắn với CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trong đó, tập trung vào các giải pháp: Xúc tiến thương mại trong nước, lành mạnh hóa mạng lưới phân phối, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế nhằm từng bước kiểm soát nhập khẩu và trật tự thị trường.
Sau 10 năm triển khai CVĐ, tư duy của cả người sản xuất và tiêu dùng đã thay đổi, có trách nhiệm hơn với nền kinh tế. Tuy nhiên, không ít doanh nhân còn trăn trở, về nạn hàng nhái, làm giả, khiến họ không chỉ rất vất vả tự bảo vệ thương hiệu, mà còn mất nhiều thời gian phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Ngoài ra, hệ thống phân phối, bán lẻ trong nước còn yếu so với hệ thống phân phối, bán lẻ của các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, có nhiều sản phẩm hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam sản xuất bày bán tại các siêu thị, nhưng lại là gia công cho các thương hiệu của nước ngoài… là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt.
Ngoài ra, cũng cần phải nhìn nhận vào thực tế rằng, tuy đã có nhiều tiến bộ về chất lượng, mẫu mã, hàng Việt Nam vẫn còn những “điểm trừ” cần phải được khắc phục như khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường của hàng hóa sản xuất trong nước còn thấp, sức cạnh tranh không cao. Thêm vào đó, các mặt hàng là thế mạnh cũng bị một lượng lớn hàng nhập khẩu cạnh tranh gay gắt, nguyên liệu đầu vào còn phụ thuộc giá nhập khẩu nên khó khăn trong xây dựng giá thành.
Do đó, để đứng vững trên “sân nhà”, các doanh nghiệp Việt Nam cần dành sự đầu tư nghiêm túc và đúng mức cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, tận dụng ưu thế là sản phẩm của người Việt để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng như mong muốn của nhiều doanh nghiệp, CVĐ sẽ tiếp tục được triển khai sâu, rộng với khẩu hiệu ở tầm cao hơn: “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng cả trong nước và thế giới”.