Nhỏ Bình thường Lớn

Đệ nhất phu nhân mượn oai chồng

Sự can thiệp trực tiếp của Đệ nhất phu nhân Pháp Carla Bruni và chị gái của mình là nữ minh tinh màn bạc Valeria Bruni-Tedeschi, đã làm thay đổi hoàn toàn quyết định của ông chủ Điện Elysée về việc dẫn độ một cựu thành viên nhóm khủng bố về Italy.

Tuần trước, Điện Elysée thông báo rằng Tổng thống Pháp Sarkozy đã hủy bỏ sắc lệnh dẫn độ nữ chỉ huy chi nhánh Roma của nhóm khủng bố Red Brigades là Marina Petrella - người đang đối mặt với án tù chung thân tại Italy vì tội giết người. Bốn ngày trước khi có thông báo chính thức trên, hai chị em nhà Bruni đã trực tiếp đến bệnh viện của nhà tù để báo cho Marina Petrella rằng bà ta sẽ không bị dẫn độ về nước, theo lời kể của Carla Bruni.

 

Đệ nhất phu nhân người gốc Italy Carla Bruni đã không ngần ngại khẳng định mình và chị gái đã vận động Tổng thống để Marina Petrella không bị trục xuất. Carla Bruni cũng cho biết trong suốt 2 tháng, chị gái Valeria Bruni đã thường xuyên đề cập đến trường hợp nữ tù nhân này với em rể Sarkozy.

 

Nhóm Red Brigade bị buộc tội đã gây ra hàng loạt vụ giết người trong những năm 1970 và 1980, trong đó có cái chết của Thủ tướng Italy Aldo Mo vào năm 1978. Marina Petrella được trả tự do năm 1986 trước khi bị một tòa án tại Roma xét xử vắng mặt với mức án tù chung thân vì tội giết người, bắt cóc và ăn trộm có vũ trang. Bà ta bị bắt giữ tại Pháp vào tháng 8/2007 và bị tòa phúc thẩm Versailles quyết định trục xuất về Italy sau đó 4 tháng. Lệnh trục xuất này đã được Thủ tướng François Fillon phê chuẩn vào tháng 6 vừa qua.

 

Tuy nhiên, đến ngày 10/7, Tổng thống Sarkozy thông báo đã đích thân gửi thư cho Tổng thống Italy Giorgio Napolitano và Thủ tướng Silvio Berlusconi để xin ân xá cho nữ từ nhân này vì lý do sức khỏe. Sau đó một tháng, Marina Petrella được tòa án phúc thẩm Versailles phóng thích và chỉ còn chỉ bị giám sát tư pháp. Gần đây nhất, ông Sarkozy đã yêu cầu ông Fillon áp dụng điều khoản nhân đạo trong hiệp ước dẫn độ Pháp - Italy năm 1957 và rút lại sắc lệnh trục xuất đã ký trước đó.

 

Quyết định của phía Pháp đã làm dấy lên làn sóng phản đối từ các gia đình là nạn nhân của nữ sát thủ này và được xem như là một sự “sỉ nhục” đối với Italy. Nhiều học giả và chính khách Italy đã lên tiếng đòi Tổng thống Pháp đưa ra lời xin lỗi chính thức vì sự “xúc phạm” đối với người Italy.

 

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Pháp “nghe lời vợ”. Năm 2007, ông cũng nghe lời vợ cũ là Cécilia để trả tự do cho các y tá người Bulgaria bị giam giữ tại Lybia.  

 

Nguyên Pháp(Theo Liberation)