📞

Đề xuất thay đổi cơ chế bầu cử ở Thái Lan

14:16 | 11/07/2014
Trước những biến động chính trị xảy ra liên tục tại Thái Lan, nhiều chuyên gia cho rằng quốc gia này cần phải có những thay đổi trong cơ chế bầu cử để có được sự ổn định hơn. Vì lý do này, Ủy ban bầu cử Thái Lan mới đây đã đưa ra một số đề xuất nhằm cải cách cơ chế bầu cử theo đó các nghị sĩ sẽ độc lập hơn và ít bị phụ thuộc vào đảng phái chính trị của họ.
Người dân Thái Lan tham gia một cuộc bỏ phiếu.

Theo đó, Cơ chế bầu cử mỗi người một lá phiếu được thay đổi bằng cơ chế bỏ phiếu khối (tính theo cả khu vực bầu cử) nhằm giảm gian lận và ảnh hưởng của các chính trị gia tại các địa phương và tăng vai trò của Ủy ban bầu cử.

Theo giải thích của Ủy ban này, nếu các nghị sỹ có một mức độ độc lập không phụ thuộc vào đảng phái của họ thì họ sẽ có trách nhiệm hơn với cử tri trong khu vực bầu cử của mình. Ngoài ra, Ủy ban bầu cử cũng đề xuất tăng quy mô ở mỗi khu vực bầu cử khiến cho việc mua bán phiếu bầu hoặc gây sức ép đối với cử tri trở nên khó khăn hơn.

Tỷ lệ nghị sỹ theo danh sách đảng và tỷ lệ nghị sỹ được bầu trực tiếp theo khu vực bầu cử không nên chênh lệch quá. Theo hiến pháp 2007, số nghị sỹ theo danh sách đảng là 125 người trong khi nghị sỹ theo khu vực bầu cử là 375 người.

Tất cả các ứng cử viên nghị sỹ cần là đảng viên của một đảng phái nào đó ít nhất trong một năm và sẽ có nhiệm kỳ bốn năm. Không cho phép nghị sỹ có quyền ứng cử nhiệm kỳ hai liên tiếp, tức là tám năm liên tục. Ứng cử viên bị phát hiện có liên quan tới các vụ án ma túy, gian lận trong bầu cử và mắc tội khi quân sẽ không được phép tranh cử.

Để tránh việc hình thành nhiều Đảng phái, Ủy ban cũng có những đề xuất mới về quy chế hình thành Đảng chính trị với quy định phải có ít nhất là 5.000 thành viên và 15 người sáng lập mới đủ tiêu chuẩn. Trước bầu cử, đảng này phải thiết lập được các chi nhánh ở cả bốn vùng của Thái Lan.

Đề xuất thể hiện rõ ràng nhất quyền lực tăng lên của Ủy ban bầu cử đó là Ủy ban này được quyền hoãn hoặc kéo dài thời hạn đăng ký ứng cử viên mà không cần tham vấn Thủ tướng như hiện nay. Điều này nhằm ngăn chặn các quan chức chính trị đương nhiệm được hưởng lợi thế hơn các ứng cử viện khác. Ủy ban bầu cử cũng đòi có quyền được cung cấp tài liệu để phục vụ điều tra gian lận trong bầu cử.

Thêm nữa, Trong trường hợp giải tán Quốc hội thì nội các cũng sẽ phải ngừng thực thi nhiệm vụ ngay lập tức để các bí thư thường trực tại các bộ điều hành tạm thời. Bí thư thường trực tại các bộ ở Thái Lan thông thường là công chức chuyên nghiệp, không theo đảng phái.

Phạm Hằng (tổng hợp)