Đã ba năm rồi, cư dân thị trấn Teleskof mới được đón Giáng sinh tại quê nhà. Suốt thời gian qua, các phần tử thánh chiến IS đánh chiếm thị trấn, buộc 12.000 người Thiên chúa giáo Chaldean phải rời đi.
Đối mặt với sự lựa chọn cải đạo, nộp thuế hoặc chết, nhiều người theo đạo tại vùng đồng bằng Nineveh – trung tâm của cộng đồng Thiên chúa cổ xưa với 2.000 năm tại Iraq, quyết định chạy trốn. Đa phần họ tìm đến nơi trú ẩn ở các thị trấn và thành phố lân cận, nhưng cũng nhiều người chọn tỵ nạn vĩnh viễn ở nước ngoài. Chỉ đến đầu năm nay, người dân mới bắt đầu hồi hương.
“Ngọn lửa hồi sinh” được thắp lên trong đêm Giáng sinh tại Iraq. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 24/12 năm nay, những người con sau ba năm xa xứ đã tổ chức lễ Giáng sinh cùng nhau tại nhà thờ lớn của thị trấn. Hàng trăm tín đồ trong trang phục tươm tất nhất đổ ra đường để cầu nguyện. Ngọn lửa truyền thống được thắp sáng le lói giữa màn đêm, như niềm hy vọng đang dần hồi sinh tại nơi đây. Tuy nhiên, ngay cả khi được mừng Giáng sinh trở lại, nỗi buồn vẫn phảng phất trên gương mặt của hầu hết người dân.
Hai tuần trước, Thủ tướng Iraq tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh dai dẳng với IS. Nhưng những gì mà xung đột này để lại cho các khu vực của người Thiên chúa giáo là khó có thể đong đếm được. IS đã tàn phá, cướp bóc và thiêu rụi nhà cửa, giáo đường, tước đoạt tất cả tài sản có giá trị và hủy hoại di tích. Nhiều người tự hỏi liệu họ có thể vượt qua được những ám ảnh này.
Thị trấn Qaraqosh cách Mosul 15 km về phía Tây cũng phải chịu sự tàn phá nặng nề như vậy. Đêm Giáng sinh, các tín đồ tập trung tại nhà thờ, giữa những bức tường cháy đen còn sót lại hình vẽ graffiti của IS. Họ ngồi trên những chiếc ghế nhựa được quyên góp. Dù có thể được nhận viện trợ hàng chục nghìn USD để sửa chữa nhà cửa, mua sắm lại đồ đạc, nhưng tất cả đều nói rằng họ có thể tự mình vượt qua khó khăn vật chất, chỉ cầu mong gia đình không phải chịu cảnh ly tán.
Trước ngày IS tấn công, Qaraqosh từng là khu vực sinh sống lớn nhất của người theo đạo Thiên chúa ở Iraq, với dân số khoảng 50.000 người. Thế nhưng giờ đây chỉ còn vài trăm gia đình trở lại nơi này. Các giáo đoàn khác đã chuyển ra nước ngoài.
Một ngày trước Giáng sinh, Cha Butros Kappa – phụ trách nhà thờ Qaraqosh cố gắng xoay xở với hy vọng sẽ tập hợp được những tín đồ của giáo sứ trong đêm Giáng sinh. Với Cha, tổ chức Thánh lễ giữa những tàn tích đã cháy rụi của nhà thờ là cách để nhắc nhở mọi người rằng mặc dù bi kịch đã xảy ra, chúng ta vẫn ở đây.
Tương tự như Qaraqosh, thị trấn Teleskof nằm cách Mosul 30 km về phía Bắc là một trong những cộng đồng Công giáo lâu đời nhất thế giới. Nhiều người đã bỏ cả Thánh lễ vì cảnh gia đình ly tán. Các nhà lãnh đạo ước tính hơn 7.000 cư dân của Teleskof hiện sống rải rác khắp Iraq, vùng Kurdistan tự trị, Mỹ, Australia, Đức, Lebanon và Jordan.
Đối với họ, cơn ác mộng vẫn chưa chấm dứt. Trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang giữa chính quyền Baghdad và người Kurd ở Iraq sau cuộc trưng cầu ý dân về quyền tự trị của người Kurd hồi tháng 9, các cư dân còn sót lại của Teleskof lo rằng sẽ phải đối mặt với bạo lực một lần nữa.